Theo quan niệm của y học cổ truyền (YHCT), con người mắc bệnh là do mất cân bằng âm dương, điều trị bệnh là quá trình tái lập lại sự cân bằng đó. YHCT cũng cho rằng dưỡng sinh có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị bệnh và trong cuộc sống thường nhật của con người. Đó là sự kết hợp của bốn yếu tố: cách sống (thích nghi để phù hợp với hoàn cảnh, môi trường); thực dưỡng; điều dưỡng tinh thần; rèn luyện thân thể. Sống đúng tinh thần dưỡng sinh được xem là phương pháp phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Cách sống
Theo triết lý Đông phương, cách sống phù hợp và cân bằng âm-dương là cách sống thích nghi, thích hợp với từng hoàn cảnh và môi trường. Như vậy, một phần quan trọng của quy tắc dưỡng sinh là thích ứng với âm dương của bốn mùa để phòng bệnh cũng như sự thích nghi của cơ thể với những thay đổi của thời tiết.
Thực dưỡng
Thực dưỡng nghĩa là điều tiết trong ăn uống và sinh hoạt. Trong ăn uống nên điều độ, tránh ăn quá no hoặc quá đói, quá thừa hoặc thiếu chất, ăn không đúng giờ hoặc lạm dụng chất kích thích, rượu bia. Làm việc và nghỉ ngơi có chừng mực, không lao lực một cách bừa bãi. Ai cũng biết thức ăn là nguồn cung cấp chính cho sự tồn tại và phát triển con người. Người xưa có câu “bệnh từ miệng mà vào”, cho thấy ý thức ăn uống góp phần không nhỏ trong việc hình thành các bệnh lý ở con người.
Theo YHCT, thực dưỡng là phương pháp ăn uống để nuôi dưỡng con người, sống khỏe. Vì vậy, không ăn các món ăn quá chua, quá mặn, quá ngọt, quá đắng hay quá cay vì những loại thức ăn này khi được dùng quá nhiều, hay quá ít một cách thường xuyên đều gây tổn hao khí của các tạng phủ. Trong ăn uống, cần đủ chất và cần chú ý để điều hòa ngũ vị.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn các loại thức ăn nên theo mùa, mùa nào thức nấy. Mỗi loại cây cũng phát triển theo quy luật âm dương, cũng có kỳ thịnh kỳ suy, mỗi cây có một mùa riêng. Dùng các loại thức ăn theo từng mùa là phù hợp với sự thay đổi, chuyển hóa của tự nhiên. Như vậy, cơ thể sẽ hấp thu tốt nhất các chất dinh dưỡng thức ăn đó mang lại. Ví dụ mùa thu dễ sinh các chứng rối loạn tiêu hóa - hấp thu. Do đó, mùa thu nên ăn canh khoai mỡ nấu tép hoặc canh củ sen nấu với giò heo, canh đậu phộng nấu với xương... và không nên ăn dưa xanh, cà sống dễ bị tiêu chảy.
Điều dưỡng tinh thần
Rèn luyện tinh thần, ý chí cũng là một phần của dưỡng sinh. Giữ gìn sự ổn định đầy đủ về mặt tinh thần, là bảo dưỡng tinh khí tốt. Các nguyên nhân gây bệnh từ môi trường có thể xâm nhập nhưng tinh khí sung mãn, sức đề kháng vững vàng, bệnh tật sẽ bị đẩy lui.
Rèn luyện thân thể
Việc tập luyện theo phép dưỡng sinh cũng cần phù hợp với sự thay đổi của từng mùa, của thời tiết cũng như thể chất của từng cá thể. Tập luyện dưỡng sinh cần duy trì và theo từng nấc, từng bậc. Tránh luyện tập quá sức hay trong điều kiện bất lợi cho cơ thể vì không những không dưỡng sinh được mà còn tạo điều kiện cho các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể.
Một nguyên tắc dễ dàng có thể áp dụng cho mọi mùa là mỗi sáng nán lại một chút trên giường, khởi động co duỗi chân tay thân mình, hít thở sâu và tróc lưỡi thành tiếng trước khi bước xuống giường. Hằng ngày nên cố gắng đi bộ, vận động những lúc rảnh rỗi nhằm giúp lưu thông máu huyết dễ dàng nuôi dưỡng não và toàn thân.
Vì vậy, có thể nói dưỡng sinh là một phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Thực hiện dưỡng sinh cần chú ý ở tất cả các mặt từ tinh thần, ăn uống, sinh hoạt, tập luyện. Việc dưỡng sinh có thể thay đổi trên từng cá thể nhưng cần tuân theo quy luật âm dương, sự dung hòa giữa cơ thể và sự thay đổi của đất trời, khí hậu.
Nguồn gốc của dưỡng sinh Theo quan điểm của Tuệ Tĩnh, để khỏe mạnh và trường thọ cần duy trì, gìn giữ chân - nguyên - khí và phát triển tam bảo của sức khỏe là tinh - khí - thần (ba dạng vật chất tạo nên cấu trúc cơ thể người). Phải thực hiện phép dưỡng sinh đó là “bế tinh, dưỡng khí, tồn thần, thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”. Gần đây hơn có sách Phương pháp dưỡng sinh của BS Nguyễn Văn Hưởng. Nội dung sách bao gồm phương pháp luyện tinh - khí - thần và dẫn giải có phân tích dựa theo quan điểm y học hiện đại, đồng thời sáng tạo 63 động tác tập luyện để phòng và điều trị các bệnh mạn tính thường gặp. |
PGS-TS NGUYỄN THỊ BAY