Hiểu sao việc trả quà Việt Á của giám đốc CDC Bình Phước?

Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Phước, khẳng định không có thỏa thuận, cam kết nào về tỉ lệ phần trăm hoa hồng với đơn vị cung cấp vật tư, sinh phẩm là Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

Ông Sáu thừa nhận đầu tháng 12-2021, đại diện Công ty Việt Á có lên gặp và gửi quà. Khi người đại diện này về, ông mới kiểm tra và biết có quà cho bản thân ông. Sau đó, ông đã báo cáo tổ chức, lãnh đạo các cấp và nói rằng ngay sau kỳ nghỉ lễ sẽ nộp lại phần quà này cho cơ quan chức năng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước.Ảnh: PV

Về việc này, trao đổi với PVPháp Luật TP.HCM,ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng trả lời của giám đốc CDC Bình Phước có nhiều vấn đề đáng suy nghĩ.

Theo ông Nhưỡng, việc nhận quà đã có quy định, chế tài xử lý. Theo khoản 2 Điều 22 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, việc tặng quà và nhận quà tặng của cán bộ, công chức được quy định như sau: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

Điều 25, Điều 28 Nghị định 59/2019 cũng quy định rất rõ về việc nhận quà, trả lại quà. Cùng với nội dung tại khoản 2 Điều 22 của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 như trên, nghị định này còn quy định: Cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định.

Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối. Trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được quà tặng.

Báo cáo được thể hiện bằng văn bản và có đầy đủ các nội dung: Họ, tên, chức vụ, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà; loại và giá trị của quà tặng; thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể khi nhận quà tặng; mối quan hệ với người tặng quà.

Về vụ việc này, vụ trưởng một vụ thuộc Ban Nội chính Trung ương nêu quan điểm: Quy định 64/2007 của Thủ tướng về quy chế tặng quà, nhận quà, nộp lại quà tặng và Nghị định 59/2019 đã quy định cụ thể về việc báo cáo, nộp lại và xử lý quà tặng.

Theo đó, Điều 12 Quy định 64/2007 nêu: Việc báo cáo và nộp lại quà tặng được thực hiện như sau: 1. Cơ quan, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định tại Điều 13 quy chế này. 2. Cán bộ, công chức, viên chức khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp và nộp lại quà tặng cho cơ quan, đơn vị mình trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được quà tặng.

Trường hợp báo cáo và nộp lại quà tặng chậm so với thời hạn nêu trên thì người nhận quà tặng phải giải trình rõ lý do.

Chiếu theo quy định này, ngay sau khi nhận quà thì giám đốc CDC Bình Phước phải từ chối hoặc trả lại quà ngay.

 

Cũng thể hiện được sự thành khẩn

Việc giám đốc CDC Bình Phước trả lại quà dù chưa thực hiện việc này ngay từ đầu nhưng đây cũng là việc thể hiện sự thành khẩn của ông giám đốc này, dù muộn. Vì có nhiều giám đốc CDC trả lời báo chí rằng không nhận quà gì nhưng sau đó có người đã bị khởi tố.

Còn hành vi nhận quà của Công ty Việt Á khi đang là người trực tiếp ký hợp đồng mua kit test Việt Á thì đã có dấu hiệu vi phạm các quy định liên quan của pháp luật.

 Tôi cho rằng đây là vụ án sẽ không có vùng cấm, sau khi được đưa vào diện Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đại biểu Quốc hội LÊ THANH VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới