Hiệu trưởng cùng 7 người thân đăng ký hiến tạng

Sau khi xem chương trình giới thiệu về trung tâm hiến tạng ở BV Chợ Rẫy, TP.HCM cũng như biết được nhu cầu cần tạng hiến hiện nay, thầy Thịnh và một số thành viên trong gia đình đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.

Thấu hiểu nỗi đau mất người thân vì thiếu tạng ghép

Thầy Thịnh là hiệu trưởng của một hệ thống trường quốc tế trên địa bàn TP.HCM. Chia sẻ về quyết định của gia đình mình, thầy Thịnh cười bảo: “Tối đó, khi cả nhà đang quây quần bên mâm cơm thì trên tivi có chiếu chương trình đề cập đến nhu cầu cần tạng hiến ở Việt Nam hiện nay. Sau khi xem, mọi người trong nhà bàn tán, sau đó từ người lớn đến trẻ nhỏ đều suy nghĩ nghiêm túc và đi đến quyết định sẽ hiến toàn bộ tạng của mình nếu qua đời”.

Thầy Thịnh cho biết sự việc đã xảy ra cách đây ba năm rồi. Hồi đó, mẹ của thầy vẫn còn sống. Khi nghĩ đến việc hiến tạng, mọi người trong nhà đã tới hỏi ý kiến người mẹ: “Mẹ ơi, tụi con muốn đi hiến tạng, mẹ thấy thế nào?”. “Mẹ tôi chỉ bảo cái gì mình làm được cho người khác thì các con hãy làm. Các con hãy cho đi những thứ mình có, mẹ không phản đối. Bởi từng phải gánh chịu nỗi đau mất chồng vì bệnh ung thư máu mà không tìm được người cho tủy nên mẹ tôi hiểu được rõ tầm quan trọng và ý nghĩa cao đẹp của việc các con sắp làm” - thầy Thịnh nhớ lại.

Cha mất từ khi thầy Thịnh còn nhỏ tuổi. Vì thế, một mình người mẹ phải gồng gánh nuôi mấy anh em thầy ăn học nên người. Bà phải giữ hai vai trò vừa làm mẹ vừa làm cha. Cho nên trong cách giáo dục của bà vừa có sự nhân hậu của người mẹ lại có thái độ kiên quyết của người cha. “Mẹ luôn dạy chúng tôi sống trên đời phải biết chia sẻ với mọi người. Các con hãy cho đi thứ mà mình có, đừng mong nhận lại” - thầy Thịnh nói.

Sau buổi tối đó, cả gia đình thầy cùng nhau đi đăng ký hiến tạng. Thế nhưng sau khi kiểm tra sức khỏe, chỉ có tám người thích hợp để được đăng ký hiến.

Thầy Thịnh (áo trắng) cùng các học trò của mình. Ảnh: N.QUYÊN

Thấm lòng nhân ái từ truyền thống gia đình

Thầy Thịnh có hai đứa con, một trai và một gái. Thầy cũng trò chuyện với các con về quyết định của mình. “Cha sẽ đi đăng ký hiến tạng. Việc này cha sẽ không ép các con. Nếu các con thích thì hãy làm. Và cuối cùng cả hai đứa con của tôi cùng đồng ý hiến tạng như tôi” - thầy Thịnh nói.

Nhắc đến hai con của mình, thầy Thịnh cho hay: “Mấy đứa nhỏ đã bị ảnh hưởng bởi cách giáo dục của gia đình từ nhỏ. Cứ mỗi mùa hè, khi hai đứa nghỉ học, bác ruột lại dẫn về Pleiku chơi. Tại đây, hai con tôi được bác chở tới những ngôi nhà nuôi dạy trẻ em bị bệnh Down. Các con đã dạy các em làm bánh, làm yaourt. Chưa kể tụi nhỏ thường thấy anh chị con bác dành chiều cuối tuần đi gom quần áo cũ về giặt cho những người vô gia cư. Những việc làm nhỏ cứ thấm dần trong suy nghĩ của các con và có thể nói việc đăng ký hiến tạng là kết quả tất yếu bởi các con tôi đã học được sự chia sẻ từ mọi người” - thầy Thịnh bày tỏ.

Khó khăn lớn nhất của thầy Thịnh là thuyết phục vợ. Vợ của thầy luôn quan niệm “chết phải toàn thây” nên không ủng hộ chồng con cho đi bất cứ bộ phận nào của cơ thể. “Lúc đó tôi bảo cát bụi rồi sẽ trở về với cát bụi, con người lúc xuôi tay nhắm mắt sẽ chẳng thể mang theo được gì sang thế giới bên kia. Thế nhưng nếu khi mất đi, những bộ phận trên cơ thể mình có thể giúp ích cho người khác đó cũng là điều nên làm. Hơn nữa, nếu biết trái tim hay quả thận của họ đang có người sử dụng thì xem như người thân mình vẫn tồn tại, sự sống vẫn được tiếp diễn. Nghe tôi nói thế, bà xã cảm động và gật đầu ủng hộ” - thầy Thịnh chia sẻ.

Sau đó, ba cha con thầy đã đến BV Chợ Rẫy để làm thủ tục đăng ký hiến tạng. Tại đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, trong đơn đăng ký, thầy Thịnh cùng hai con đã tích vào 10 ô tương ứng với 10 bộ phận sẽ hiến tặng sau khi qua đời.

 Từ ngày đăng ký hiến tạng, thầy Thịnh luôn dặn các con phải mang thẻ bên người với những giấy tờ cần thiết. “Chẳng may có một sự cố bất ngờ xảy ra, không thể qua khỏi, chiếc thẻ này sẽ giúp đơn vị cấp cứu nhận diện người đã đăng ký hiến tạng. Từ đó, họ sẽ thông báo cho đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người đến tiếp nhận, bảo quản xác và tiến hành lấy tạng để ghép cho người bệnh càng sớm càng tốt” - thầy Thịnh bày tỏ.

Nhiều học sinh của trường biết chuyện đã tìm tới để được trò chuyện cùng thầy. “Khi đó tôi chỉ bảo việc làm này không có gì là to lớn hết. Chuyện đó các con cũng có thể làm được nếu các con muốn. Nếu các con trên 18 tuổi, các con có quyền quyết định, còn bây giờ các con hãy xin phép cha mẹ. Tôi hy vọng nhiều người sẽ có suy nghĩ như tôi. Như thế nhiều bệnh nhân sẽ được cứu sống” - thầy Thịnh nói.

Một việc làm đáng ngưỡng mộ

Việc làm của thầy Thịnh cũng như cả gia tộc của thầy thật đáng ngưỡng mộ. Bởi trong cuộc sống hiện nay, có được mấy ai có suy nghĩ như thế.

Trong công tác chuyên môn, thầy là người luôn đổi mới, sáng tạo. Thầy luôn quan tâm đến học sinh cũng như giáo viên. Thầy luôn lắng nghe ý kiến của mọi người. Vì thế, học sinh trong trường đều quý mến thầy.

Cô NGUYỄN MAI LOANgiáo viên văn, hệ thống Trường Quốc tế Vaschool

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới