Hiệu trưởng không thể đuổi học sinh vì gia đình “không phối hợp”

(PLO)- Cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ việc thu chi để chấm dứt tình trạng mâu thuẫn giữa nhà trường và phụ huynh.

Một trường THPT không nhận được sự hợp tác của phụ huynh nên con của phụ huynh này bị trường “từ chối công tác giáo dục”. Thế nhưng theo luật sư, nhà trường chỉ được phép tạm dừng việc học của học sinh (HS) khi HS này có những vi phạm nghiêm trọng.

Từ tin nhắn riêng tư của nhóm phụ huynh

Liên quan đến việc Trường THPT Lạc Long Quân (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) gửi thông báo đề nghị phụ huynh đến làm việc về tin nhắn “ảnh hưởng đến uy tín của trường” nếu không sẽ từ chối công tác giáo dục với HS, sáng 5-10, anh H (phụ huynh trong câu chuyện trên) đã đến làm việc với nhà trường.

“Ngày 4-10, cô giáo chỉ thông báo tới gia đình, nhà trường yêu cầu con tôi nghỉ học. Tuy nhiên, ngày 5-10, cô giáo lại thông báo nhà trường đồng ý cho con tôi được quay lại lớp học”.

w-P13-IMG_20231005_185626.jpg
Trường THPT Lạc Long Quân (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Ảnh: MT

Anh H cho hay nội dung cuộc hội thoại của các phụ huynh được đăng tải trên mạng xã hội là những đoạn tin nhắn anh trao đổi với các phụ huynh khác trong nhóm lớp. “Nguyên vẹn như thế, không có chuyện cắt ghép, chỉnh sửa hay xóa đi những đoạn nội dung xúc phạm nhà trường nếu có” - anh H khẳng định.

Theo anh H, câu chuyện bắt đầu từ các khoản thu chi đầu năm của nhà trường. Anh là phụ huynh HS và có ý kiến về một số khoản thu không hợp lý của nhà trường. Anh H cho rằng những tin nhắn trao đổi trên nhóm lớp là tin nhắn riêng tư của nhóm phụ huynh chứ không xúc phạm nhà trường.

Sở GD&ĐT yêu cầu trường cho học sinh đi học lại

Sáng 5-10, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết đã yêu cầu Trường THPT Lạc Long Quân cho HS đi học lại từ sáng nay (6-10). Ông Cương khẳng định đã chỉ đạo, yêu cầu nhà trường phải để HS được đến lớp, không vì lý do mâu thuẫn gì đó giữa nhà trường và phụ huynh mà để HS không được đi học.

Theo ông Cương, trong quy định của Bộ GD&ĐT, trường tư cũng có quyền dừng đào tạo với HS nhưng dưới góc độ giáo dục, đều là không cho phép.

Theo anh H, phụ huynh có quyền được thắc mắc những vấn đề đó và nhà trường phải có trách nhiệm giải thích chứ phụ huynh không có trách nhiệm phải giải trình về những gì mình hỏi với nhà trường.

“Phụ huynh có quyền được thắc mắc, yêu cầu, có ý kiến, không thể ai thích làm gì thì làm, im lặng bảo sao làm vậy. Nếu tôi không có ý kiến thì nhà trường sẽ thích thu như thế nào thì thu” - anh H nói. Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc nhưng không gặp, không tiếp cận được hiệu trưởng.

Cần thanh tra và xử lý sai phạm

Trao đổi về vấn đề này, PGS-TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận định có hiện tượng các cha mẹ dù không đồng tình với những khoản thu nhưng không lên tiếng.

Ông cho rằng điều này xuất phát từ một quy luật truyền thống là thiểu số im lặng. Mặc dù họ biết có sự bất hợp lý nhưng họ tự động im lặng vì không muốn bị cô lập. Lý do khác quan trọng hơn là phụ huynh lo lắng những hậu quả, hệ quả đến với con của mình. Đó cũng là lý do rất nhiều người có tiền chọn cho con học trường tư để đóng một cục thay vì chịu những bức xúc này.

Để giải quyết vấn đề này, ông Nam cho rằng cơ quan chức năng, truyền thông cần giải thích cho cha mẹ hiểu và cổ vũ họ phải sẵn sàng lên tiếng. Nếu ngại nói, phụ huynh có thể viết ra ý kiến.

w-P13-IMG_20231005_185624.jpg
Thông báo của Trường THPT Lạc Long Quân (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) gửi tới gia đình anh H. Ảnh: MT

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), cho biết không có quy định nào cho phép hiệu trưởng một trường học có thể đuổi HS chỉ vì gia đình “không phối hợp” với nhà trường theo thông báo của hiệu trưởng. Trách nhiệm của hiệu trưởng là phải giải trình những thắc mắc của gia đình và của HS về chi tiêu, những khoản đóng góp. “Ở một môi trường giáo dục, một ngôi trường mà hiệu trưởng có hành vi như vậy thì rất khó để định hướng, dạy bảo, giáo dục cho thế hệ trẻ” - ông Vinh nhận định.

Theo chuyên gia này, giả sử phụ huynh có mắc lỗi trong việc phản ánh thì hiệu trưởng và nhà trường nên gặp phụ huynh để giãi bày chứ không nên nhận định rằng việc phản ánh là xúc phạm danh dự của nhà trường và ảnh hưởng tới việc học tập của HS.

Ngoài ra, TS Vinh cho rằng trong vụ việc này không nên rút kinh nghiệm rồi để đấy mà nên ngay lập tức thanh tra chi tiêu và xử lý các sai phạm nếu có.

Thiếu căn cứ để dừng việc học của học sinh

Quy định về xử lý kỷ luật HS được quy định tại nhiều thông tư như Thông tư 32/2020 hoặc Thông tư 08/1998. Theo quy định tại Thông tư 08/1998 thì có năm hình thức kỷ luật đối với HS THPT gồm: Khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần lễ và đuổi học một năm.

Như vậy, những HS nào vi phạm các khuyết điểm đã bị cảnh cáo trước toàn trường nhưng không biết hối lỗi và sửa chữa khuyết điểm hoặc mắc khuyết điểm nghiêm trọng sẽ bị xử lý kỷ luật tạm dừng việc học có thời hạn.

Trong vụ việc này, lý do mà Ban giám hiệu Trường THPT Lạc Long Quân tạm dừng việc học của HS nguyên nhân xuất phát từ phía phụ huynh chứ không phải lỗi trực tiếp từ HS. Cho nên việc dừng việc học của HS là thiếu căn cứ.

Luật sư LÊ VĂN BÌNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm