'Hình ảnh cao đẹp của chiến sĩ tuyến đầu còn mãi trong lòng dân'

Sáng 8-10, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức lễ tuyên dương, tri ân gần 30.000 cán bộ, chiến sĩ đoàn công tác chi viện tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.

Quân đội tiếp tục sát cánh cùng các lực lượng y tế TP.HCM

Tại buổi lễ, các đại biểu đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ các nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ công tác phòng chống dịch và các nạn nhân đã mất vì dịch COVID-19.

Báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện công tác phòng chống dịch, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết suốt gần hai tháng qua (từ ngày 15-7 đến 15-9), cả TP đã trải qua những ngày khó khăn đỉnh điểm của dịch bệnh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trao bằng khen cho các lực lượng tham gia hỗ trợ phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: TÁ LÂM

Từ giữa tháng 9 cho đến nay, với nhiều giải pháp quyết liệt, những tín hiệu lạc quan bắt đầu xuất hiện cho thấy TP.HCM đã bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh, số tử vong và số trường hợp mắc mới giảm dần, số bệnh nhân xuất viện đã cao hơn số bệnh nhân nhập viện.

Theo ông Thượng, đó là kết quả cộng hưởng từ nhiều giải pháp mang tính quyết liệt và đồng bộ, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP. Các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thiện nguyện và mọi tầng lớp nhân dân đều đồng lòng, đồng sức quyết tâm chống dịch.

Riêng đối với ngành y tế, bên cạnh việc huy động tổng lực nhân viên y tế từ tất cả cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân trên địa bàn, ngành y tế TP đã nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời và quý báu là nguồn nhân lực y tế đến từ 132 đơn vị gồm các bệnh viện bộ, ngành trung ương, các sở Y tế tỉnh, thành, các lực lượng chiến sĩ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng...

Tính đến ngày 30-9, tổng số lực lượng tham gia phòng chống dịch trên địa bàn TP lên đến 187.275 người. Trong đó lực lượng do các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành hỗ trợ là 28.989 người.

“Chính nhờ sự hỗ trợ kịp thời nguồn nhân lực y tế trên cả nước, ngành y tế TP đã triển khai hiệu quả đồng thời “hai mũi giáp công”, xây dựng và triển khai hiệu quả mô hình điều trị ba tầng, tạo sự liên kết thông suốt và tập trung cao cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, chăm sóc dựa vào cộng đồng” - ông Thượng nói.

Đại diện cho các tập thể, cá nhân được tuyên dương tại buổi lễ, Đại tá, TS Nguyễn Vân Giang, Phó Cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng), chia sẻ với tinh thần “Quân đội luôn là lực lượng đi đầu trong phòng chống dịch”, ngay từ đầu tháng 7, Cục Quân y đã tham mưu thành lập Sở Chỉ huy tiền phương của cục tại TP.HCM. Từ đó, nhiều đợt lực lượng của các đơn vị quân đội lên đường vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam với tình cảm, quyết tâm sắt đá “không chiến thắng không về” và đã có những đóng góp cho chiến thắng hôm nay.

Đại tá Giang cho biết trong thời gian tới, quân đội, ngành quân y sẽ vẫn luôn sát cánh cùng các lực lượng y tế của TP.HCM, tiếp tục triển khai các hoạt động như: Chăm sóc, điều trị F0 tại tuyến cơ sở, duy trì các trung tâm hồi sức bệnh nhân COVID-19, duy trì các hoạt động xe cứu thương quân đội để hỗ trợ công tác vận chuyển bệnh nhân trong TP…

Đến TP.HCM bằng lương tâm, lòng dũng cảm và sự hy sinh

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ là vô cùng xúc động khi trực tiếp gặp gỡ, tri ân và tuyên dương 55 tập thể và 115 cá nhân đại diện cho gần 30.000 người từ mọi miền của Tổ quốc đến chi viện cho vùng tâm dịch TP.HCM. “Các đồng chí đã đến bằng lương tâm, trách nhiệm, lòng dũng cảm và sự hy sinh to lớn” - ông Nên nói.

Ông cho rằng suốt bốn tháng ròng rã sát cánh bên nhau, kiên gan chiến đấu, các lực lượng đã từng bước giúp TP.HCM kéo giảm số ca nhiễm, số người bị bệnh nặng và đặc biệt là kéo giảm số người tử vong, từng bước giúp TP.HCM kiểm soát được dịch, chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết đến thời điểm này, các nhà khoa học trên thế giới cũng chưa đoán định được hết mức độ nguy hiểm của biến chủng Delta và những biến chủng mới đang xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo rằng dịch vẫn chưa kết thúc, vì vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được chủ quan. Phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, thay đổi cách sống phù hợp với tình hình mới, sống trong môi trường có dịch.

Theo ông Nên, việc này nhằm thực hiện được mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới; phục hồi phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, từng bước khôi phục sinh hoạt của người dân. Đồng thời, nhanh chóng củng cố toàn diện hệ thống y tế từ TP đến tận cơ sở để bảo vệ sức khỏe, sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ của dịch. “Chúng ta đã có bài học xương máu trong quá trình phòng chống dịch vừa qua. Trung ương đã bàn và đánh giá rất sâu nguyên nhân, hạn chế, yếu kém cần khắc phục” - ông Nên nói.

Ông chia sẻ: Năm tháng sẽ đi qua, những cam go, khốc liệt do đại dịch cũng sẽ dịu dần nhưng hình ảnh cao đẹp của chiến sĩ tuyến đầu, nhất là lực lượng chi viện trong khó khăn, khốc liệt sẽ còn mãi trong lòng người dân. Người dân TP.HCM sẽ nhắc đến hình ảnh dễ thương của người lính đi chợ hộ; hình ảnh các bác sĩ quân y, dân y, nhân viên y tế, sinh viên y khoa, đội ngũ tình nguyện đều giống nhau trong bộ đồ bảo hộ… đã lặng lẽ và kiên cường, kiên trì bám trụ, chiến đấu âm thầm, vượt qua mọi khó khăn cùng TP vượt qua đại dịch.

Tại buổi lễ, 55 đơn vị đã được nhận bằng khen của UBND TP.HCM và 115 cá nhân được nhận Huy hiệu TP.HCM.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm