HLV Troussier lần đầu tiên nói thật lòng về World Cup với tuyển Việt Nam

(PLO)- Philippe Troussier nổi tiếng đã dẫn dắt Nhật Bản lọt vào vòng 16 đội tại World Cup 2002 và vào tháng 1-2024 sẽ nắm tuyển Việt Nam đối đầu với đội bóng cũ của mình tại cúp châu Á Qatar 2023, với cái đích cuối cùng là World Cup 2026.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chỉ còn sáu tháng nữa trước khi giải đấu châu lục bắt đầu, HLV người Pháp đã chia sẻ với AFC về tình yêu của ông dành cho Nhật Bản với sự tương đồng giữa công việc cũ và vai trò hiện tại của ông với bóng đá Việt Nam.

Thầy Pháp thích gặp Nhật ở cúp châu Á

Đã hơn hai thập kỷ kể từ lần cuối cùng Philippe Troussier đứng trên đường piste với tư cách là HLV trưởng của tuyển Nhật Bản, nhưng mối liên kết giữa ông thầy người Pháp và đội bóng mà ông dẫn dắt trong suốt bốn năm từ 1998 đến vòng chung kết World Cup 2002 vẫn bền chặt.

Ông là người đầu tiên giúp Nhật Bản lọt vào vòng loại trực tiếp 16 đội năm 2002, đưa các cầu thủ trẻ vào trận chung kết U-20 thế giới năm 1999 và tứ kết Olympic tại Sydney năm 2000. HLV người Pháp vẫn là một nhân vật vĩ đại trong lịch sử bóng đá Nhật Bản.

HLV Troussier ghi dấu ấn sâu đậm với làng bóng đá Nhật Bản hơn 20 năm trước. Ảnh: TL.

HLV Troussier ghi dấu ấn sâu đậm với làng bóng đá Nhật Bản hơn 20 năm trước. Ảnh: TL.

Và sau lễ bốc thăm AFC Asian Cup Qatar 2023, ông Troussier sẽ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam ở bảng D cùng với đội bốn lần vô địch Nhật Bản, Iraq và Indoneisa, với quyết tâm giành vé đi tiếp.

“Đây là trận đấu chính thức đầu tiên của tôi với bóng đá Việt Nam lại đụng độ Nhật Bản, nó rất buồn cười” – HLV Troussier 68 tuổi nói với AFC - “Từ khi tôi rời Nhật Bản, rõ ràng họ rất khác. Chúng ta có thể coi Nhật Bản hiện là một trong những đội bóng hàng đầu thế giới.

Khi nhìn vào bảng xếp hạng FIFA, Nhật Bản đứng thứ 20 (Việt Nam hạng 95). Đối với chúng tôi ở trận mở màn Asian Cup, tôi nghĩ mình thích gặp Nhật Bản hơn. Đó không phải là một lợi thế, nhưng là một điểm tích cực khi đụng độ Nhật Bản trong trận đầu tiên. Được thi đấu với Nhật Bản là một vinh dự lớn”.

Đội tuyển Việt Nam có hai trận thua và một hòa Nhật Bản trong ba lần đụng độ gần nhất. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

Đội tuyển Việt Nam có hai trận thua và một hòa Nhật Bản trong ba lần đụng độ gần nhất. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

HLV Troussier đối đầu với tuyển Nhật Bản

Cuộc gặp giữa hai đội tái hiện trận tứ kết cúp châu Á 2019, khi tuyển Nhật Bản thắng 1-0 nhờ quả phạt đền của Ritsu Doan và sau đó, hai đội gặp nhau hai lần ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Lượt đi, Nhật Bản đã thắng tuyển Việt Nam 1-0 trên sân Mỹ Đình, trước khi hai đội hòa nhau 1-1 tại sân Saitama, trong hoàn cảnh đội bóng của HLV Hajime Moriyasu đã sớm giành vé chơi vòng chung kết World Cup lần thứ bảy.

HLV Troussier không ảo tưởng về thách thức mà đội tuyển Việt Nam phải đối mặt với Nhật Bản vào tháng 1-2024: “Chúng tôi không ngây thơ khi biết rõ khoảng cách lớn giữa Nhật Bản và Việt Nam về mặt cầu thủ giàu kinh nghiệm. Bởi vì tất cả tuyển thủ Nhật Bản đều đang chơi ở châu Âu, khiến họ tự động có nhiều kinh nghiệm hơn.

Nhưng tôi cũng đã từng trải qua cuộc phiêu lưu như thế này khi làm HLV cho đội U-20 Nhật Bản. Không ai có thể tưởng tượng chúng tôi sẽ lọt vào trận chung kết U-20 World Cup. Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời. Chúng tôi đã tham dự World Cup 2002 và khi đó, tuyển Nhật là một đội trẻ chỉ có một hoặc hai cầu thủ chơi bóng ở châu Âu. Và chúng tôi đã chơi thứ bóng đá đẹp, với tinh thần của một tập thể đoàn kết.

Ông thầy người Pháp nhận ra những nét tương đồng giữa bóng đá Nhật Bản và Việt Nam. Ảnh: TL.

Ông thầy người Pháp nhận ra những nét tương đồng giữa bóng đá Nhật Bản và Việt Nam. Ảnh: TL.

Bây giờ ở Việt Nam, chúng tôi biết sức mạnh của mình không đến từ từng cá nhân cầu thủ, vì chúng tôi không có bất kỳ cầu thủ nào chơi bóng ở châu Âu. Lối chơi của Việt Nam xuất phát từ tinh thần đoàn kết và đó là phương pháp của tôi để kết hợp mọi thứ lại với nhau. Đây là nguyên do tôi tin rằng chúng tôi sẽ chuẩn bị cho Asian Cup mà không có bất kỳ phức tạp nào”.

Bỏ thói quen cũ, làm hướng đi mới

HLV Troussier nắm đội tuyển Việt Nam từ tháng 3 và vừa có hai chiến thắng liên tiếp trước Hồng Kông và Syria cùng tỉ số 1-0 trong các trận giao hữu diễn ra vào tháng 6, khi cựu HLV của Bờ Biển Ngà và Qatar bắt đầu quá trình áp dụng các phương pháp của ông cho các học trò mới.

Xem trọng tập thể hơn cá nhân, mà người Nhật Bản biết rõ triết lý của Troussier, và ông tin rằng Samurai xanh sẽ không coi chiến thắng trước Việt Nam là điều hiển nhiên tại AFC Asian Cup.

HLV Troussier nghĩ rằng tuyển Nhật Bản tái ngộ Việt Nam ở vòng chung kết cúp châu Á đầu năm sau cũng có chút lo lắng. Ảnh: TL.

HLV Troussier nghĩ rằng tuyển Nhật Bản tái ngộ Việt Nam ở vòng chung kết cúp châu Á đầu năm sau cũng có chút lo lắng. Ảnh: TL.

“Tôi nghĩ họ cũng có chút lo lắng” – HLV Troussier nói tiếp - “Tôi thấy nhiều bình luận: chúng ta không đấu với Việt Nam, chúng ta đấu với Troussier. Đó là một vinh dự lớn đối với tôi. Nó giống như khi bạn đấu với Manchester City, bạn không nói rằng bạn đang đấu với Erling Haaland hay John Stones, mà bạn đang đấu với Pep Guardiola. Bạn đang chống lại một quá trình.

Tất nhiên, chúng tôi có các cầu thủ. Nhưng trước khi nghĩ về các cầu thủ, bạn hãy nghĩ về quá trình. Người hâm mộ Nhật Bản biết rằng chúng tôi đã làm rất tốt."

“Tôi nghĩ rằng quy trình của tôi cũng giống như ở những nơi khác mà tôi đã từng sử dụng, đặc biệt ở Nhật Bản. Phần giáo dục là rất quan trọng. Tôi cho đây là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện những gì tôi muốn làm. Nó có nghĩa là tôi cần thời gian và nó không dễ dàng”.

Thay đổi thói quen cũ và giúp họ theo hướng đi mới là cách làm của HLV Troussier. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

Thay đổi thói quen cũ và giúp họ theo hướng đi mới là cách làm của HLV Troussier. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

Tôi cần thời gian để cởi bỏ thói quen cũ, như lớp quần áo của các cầu thủ và sau đó mặc cho họ triết lý của tôi, cách quản lý của tôi, phương pháp của tôi, sự sửa chữa của tôi, sự thể hiện của tôi. Tôi cần phải cởi quần áo thói quen cũ, để bắt đầu một quá trình mới khi làm việc cùng nhau”.

Khát vọng World Cup

HLV Troussier và bóng đá Việt Nam cũng có những mục tiêu dài hạn hơn. Và chiến dịch World Cup 2026 mới là đấu trường chính của Troussier, với mục tiêu giành một trong tám suất cho các quốc gia châu Á tại vòng chung kết có đến 48 đội.

“Tôi thích đặt mục tiêu. Nhưng ngay cả đối với bản thân, tôi cũng không biết liệu chúng tôi có thể đạt được mục tiêu đó hay không. Chúng tôi muốn tham dự World Cup vào năm 2026 và chúng tôi cần một hướng đi. Tôi không thể nói về hướng đi của tôi là giành chiến thắng trước Hong Kong.

Nhà cầm quân 68 tuổi không ngần ngại chỉ ra những hạn chế và cách khắc phục cho học trò hướng đến World Cup 2026. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

Nhà cầm quân 68 tuổi không ngần ngại chỉ ra những hạn chế và cách khắc phục cho học trò hướng đến World Cup 2026. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

Đó phải là tham dự World Cup vào năm 2026 vì thể thức mới với 48 đội. Hiện tại, Việt Nam đang ở tốp 18 hoặc 19 châu Á và chúng tôi biết mình chỉ phải nằm trong tốp 6 đội mạnh nhất.

Chúng tôi nhận ra mình có một số hy vọng, nhưng có rất nhiều đội cũng đặt tham vọng như thế, vì vậy điều đó không dễ dàng. Chúng tôi có vòng loại World Cup 2026 đầu tiên vào tháng 11 và sau đó cũng có vòng loại Olympic. Nó giải thích lý do tôi sẽ triệu tập huấn luyện 60, 70, 80 cầu thủ như tôi đã làm ở Nhật Bản.

Tôi sẽ duy trì nhóm cầu thủ này theo phương pháp của mình và rất dễ dàng vì tất cả đều chơi bóng ở Việt Nam, giống như khi tôi làm việc ở Nhật Bản. Và chúng tôi có thể quyết định triệu tập các cầu thủ vào thời điểm tôi muốn.

Dù không chắc mục tiêu vòng chung kết World Cup 2026 của mình có thành hiện thực hay không, HLV Troussier vẫn giữ một lòng tin với bóng đá Việt Nam. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

Dù không chắc mục tiêu vòng chung kết World Cup 2026 của mình có thành hiện thực hay không, HLV Troussier vẫn giữ một lòng tin với bóng đá Việt Nam. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

Tôi nghĩ để cải thiện, bạn cần có hiệu suất cao, và cần đột phá. Chúng tôi là đứng đầu Đông Nam Á trên bảng xếp hạng FIFA, dù thực tế phải chấp nhận chia sẻ vị trí này với Thái Lan.

Vì thế, chúng tôi phải đi một bước nữa đến châu Á. Nếu xét ở vòng loại World Cup gần nhất, trong 10 trận Việt Nam thua tới 8. Khi xem các trận đấu, sự khác biệt đến từ việc thiếu kinh nghiệm, thiếu công cụ hoặc kiến ​​thức, hoặc thiếu truyền thống. Để cải thiện, chúng tôi phải cung cấp cho họ nhiều công cụ hơn và phải chuẩn bị từng trận đấu với những nguyên liệu khác nhau”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm