Ví dụ như tour du lịch bốn ngày phía công ty du lịch TQ bán cho khách du lịch TQ 1.200 USD và khi giao cho công ty du lịch Việt Nam 1.000 USD sẽ thực hiện tour từ A đến Z. Nhưng thực tế, một số công ty du lịch ở miền Trung đã chịu giá một khách bao nhiêu USD, còn HDV thì phía TQ thuê 400.000 đồng cho tour miền Trung cho hợp thức hóa. Để khi cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra thì không vi phạm pháp luật. Thực ra các công ty du lịch TQ trước khi đưa khách sang Việt Nam đã đầu tư vào các địa điểm mua sắm, nhà hàng… có chủ là người TQ. Họ đã có sự chuẩn bị từ vài năm trước. Vì vậy, các dịch vụ hiện nay TQ đã thực hiện khép kín.
Theo ý kiến một số công ty lữ hành tại TP.HCM, điều này gây mất an ninh trật tự cũng như doanh nghiệp TQ hưởng lợi vì họ chỉ đưa khách đến dịch vụ do TQ liên kết, tiền trả bằng nhân dân tệ chứ không phải là tiền Việt Nam. Các công ty hoạt động dạng này chiếm lợi thế hơn các doanh nghiệp Việt vì họ trực tiếp làm việc với du khách TQ ngay trên chính đất nước họ. Và thông qua việc núp bóng này, họ chủ động được giá, các dịch vụ trọn gói cho sản phẩm du lịch mà họ đang chào bán dịch vụ khách sạn được đăng ký trực tiếp từ TQ và thông qua các HDV của họ để tiến hành đặt xe, nhà hàng…
Theo các công ty du lịch, vấn đề này không mới, vấn đề chính là cơ quan nhà nước làm cách nào để giải quyết dứt điểm tình trạng này (có thể thông qua các công ty chuyên đón khách TQ để nắm tình hình, “nằm vùng” ở các công ty có dấu hiệu “núp bóng”…). Đồng thời, nếu các cơ quan nhà nước quyết tâm thì chỉ trong vài tháng là sẽ nắm được chính xác doanh nghiệp nào là doanh nghiệp Việt Nam chân chính và doanh nghiệp nào có bóng dáng người TQ đứng sau. Cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh việc quản lý kinh doanh phi pháp của các công ty TQ núp bóng doanh nghiệp Việt nhằm tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, môi trường kinh doanh sòng phẳng để các doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh hoạt động, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn.