LTS: Trong bài “Hộ khẩu – một thời khốn khổ”, chúng tôi đã giới thiệu đoạn đầu câu chuyện “hộ khẩu – hậu khổ” của tác giả - nhà báo ĐỖ NGỌC. Theo đó, trong đợt giảm biên chế tại Xưởng phim giáo khoa tại TP.HCM, chị Đỗ Ngọc đã bị chấm dứt hợp đồng lao động do không có hộ khẩu. Để kiếm sống qua ngày, chị phải chấp nhận chân bán vé xem video ở ngay chính cơ quan mình, được trả tiền lao động theo từng xuất chiếu…
Dưới đây là phần còn lại của câu chuyện khốn khổ một thời.
Nỗi khổ khi không có hộ khẩu. Ảnh: laodong.com.vn
Tôi làm công việc bán vé như thế trong 3 tháng thì may mắn được nhận vào làm nhiếp ảnh, kỹ thuật viên video tại Nhà văn hóa khoa học Liên Xô (nhân sự thuộc quản lý của Công ty dịch vụ cơ quan nước ngoài - FOSCO).
Công việc đang tốt, thu nhập cao, thì một sự kiện trọng đại tầm thế giới xảy ra: Liên Xô tan rã!
Đừng tưởng biến cố thời đại tầm quốc tế không ảnh hưởng đến cá nhân! Thì đây, sau sự kiện này, các cơ quan hoạt động văn hoá của Liên Xô tại nhiều nước rút về, trong đó có cơ quan tôi đang làm việc. Một lần nữa tôi lại mất việc vì lý do không có hộ khẩu.
Trước đây, FOSCO phải chấp nhận tôi làm việc vì Nhà văn hoá Khoa học Liên Xô trực tiếp nhận tôi, giờ Công ty không chịu trách nhiệm điều phối lao động “hổng chân” như tôi. Trong khi các nhân viên văn phòng, tài xế, bảo vệ mau chóng được điều về các cơ quan ngoại giao, thương mại, văn phòng đại diện... đang cần người thì tôi vẫn không có việc, dù đã chấp nhận xin làm tạp vụ để sống qua những ngày khốn khó.
Anh T. Thành, phó giám đốc FOSCO khi ấy nói với tôi: "Không cơ quan nào cần người có nghiệp vụ em đang làm. Các anh cũng không nỡ bố trí một cử nhân làm tạp vụ được. Mà nói em đừng buồn, em nấu nước, lau nhà, dọn văn phòng chưa chắc sạch bằng các cô giúp việc trình độ thấp, có tay nghề quét dọn chuyên nghiệp!”.
Một lần nữa tôi lại bơ vơ.
Đang lúc thất nghiệp, qua giới thiệu của bạn (nhà thiết kế Minh Hạnh, lúc đó là hoạ sĩ trình bày báo Phụ Nữ) tôi xin được chân làm cộng tác viên - phóng viên ảnh cho group Thời báo Kinh tế Sài Gòn, hưởng nhuận bút theo sản phẩm. Lúc ấy (1990-1991), một mình tôi chụp ảnh cho ba tờ báo của group, gồm Saigon Times và Saigon Eco.
Năm 1992, tôi đầu quân về báo Phụ Nữ TPHCM theo lời “rủ rê” của chị Nguyễn Thế Thanh, tổng biên tập báo thời ấy. Tôi làm phóng viên viết, thuộc ban Kinh tế-Chính trị-Xã hội của báo.
Thời gian này, vấn đề hộ khẩu vẫn khó như hái sao trên trời. Ở báo cũng có vài bạn phóng viên có hộ khẩu gốc ở tỉnh như tôi. Chúng tôi làm việc theo chế độ hợp đồng, nhưng may là cơ quan cũng không phân biệt lao động có hộ khẩu hay không. Chúng tôi yên tâm phần nào nhưng vẫn gặp muôn vàn khó khăn trong đời sống, giao tiếp, thủ tục hành chánh.
Bên ngoài, vài người bạn tôi đã được nhập hộ khẩu chính thức khi kết hôn với người có hộ khẩu TP. Cũng có một số cuộc “hôn nhân vì hộ khẩu”, chia tay nhau vài năm sau đó.
Có lần, hai đồng nghiệp của tôi (đáng tuổi chị em) dự tính kết hôn giả để giúp chàng phóng viên gốc miền Trung có được hộ khẩu TP.HCM, chị Tổng biên tập phải “la”, can gián và cảnh báo hệ luỵ “hôn nhân giả - hộ khẩu thật” họ mới không thực hiện.
Người không có hộ khẩu sống rất chơi vơi, không thể vào biên chế, không thể đi nước ngoài để công tác vì không làm được hộ chiếu, mua xe máy đi lại cũng phải về địa phương cũ nhờ người nhà đứng tên.
Hộ khẩu của tôi đã cắt khỏi hộ khẩu gia đình ở tỉnh, nhập về trường, nên ngay cả CMND tôi cũng không làm được tại TP.HCM hay tại tỉnh nhà.
Hẳn chúng ta còn nhớ điều kiện nhập hộ khẩu vào TP.HCM lúc bấy giờ: tạm trú 5 năm, có công việc ổn định, có nhà tại TP.HCM. Trời ạ! Điều kiện như thế cho nên thực tế chẳng mấy ai thực hiện được, vì: muốn có việc phải có hộ khẩu TP, muốn mua được nhà phải có hộ khẩu. “Nhà đòi hộ khẩu – hộ khẩu đòi nhà”, biện chứng triết học kiểu này khác chi chuyện hái sao trên trời!
Tôi từng ước trong những ngày khó khăn vất vả ấy: có được hộ khẩu để có việc làm ổn định, làm CMND, đi công tác nước ngoài, đứng tên mình trên giấy tờ xe... Nhưng hy vọng cứ lụn tắt dần trong vô vọng. Cho đến một ngày…
Giữa năm 1993, tôi được phân đưa tin phó Chủ tịch UBND TP là chú ba Huấn (tức ông Nguyễn Văn Huấn) tiếp phái đoàn thương mại Mỹ. Tôi đến trụ sở uỷ ban sớm, gặp chú ba Huấn đang chuẩn bị đón khách. Chú ba xởi lởi hỏi thăm tôi làm báo nào, công việc, gia đình ra sao. Tôi buột miệng kể công việc tốt, gia đình ở tỉnh, tôi gắn bó và yêu TP "cái gì cũng được, (tôi đùa) chỉ không cho cháu nhập hộ khẩu dù cháu đã sống 14 năm ở đây và có công việc ổn định, là không được thôi".
Chú ba Huấn ngạc nhiên, chăm chú nghe rồi nói: “Về khai hồ sơ xin nhập hộ khẩu, có chứng nhận của cơ quan rồi thứ hai đưa cho thư ký của chú. Chú sẽ viết mấy dòng vào đơn để cháu chuyển trực tiếp cho chú Tư Khương” (Nguyễn Hữu Khương, giám đốc Công an TP.HCM lúc bấy giờ).
Tuần sau đó, tôi nhận lại tập hồ sơ từ thư ký chú ba Huấn và đến trụ sở Công an TP.HCM để gặp chú Tư Khương. Chú Tư Khương đọc bút phê của chú ba Huấn, hỏi tôi vài câu rồi hẹn “10 ngày sau có kết quả nhen cô”.
10 ngày sau tôi nhận được kết quả: Công an đồng ý cho tôi nhập hộ khẩu vào địa chỉ nhà bạn tôi!
Tôi không bao giờ quên niềm vui sướng ngày ấy khi cầm trên tay sổ hộ khẩu của gia đình bạn ghi rõ tên mình ở một trang riêng. Đi trên đường phố, tay cầm sổ hộ khẩu mà nước mắt tôi rơi, cả vì tủi thân. Rồi cái ngày tôi cũng cầm được trên tay tấm CMND bé xíu chứng nhận sự tồn tại của tôi - một con người, tại một địa chỉ cụ thể, sau 14 năm “lêu bêu” quăng quật, vật vã vì hộ khẩu. Phải nói, tôi khi ấy như lên mây.
Đến giờ, tôi vẫn giật mình thảng thốt khi không biết để sổ hộ khẩu gia đình ở đâu, tôi giữ nó cẩn thận, kỹ càng ở một chỗ chỉ mình tôi biết như một báu vật. Và lâu lâu tôi lại cuống lên tìm cái báu vật ấy vì không nhớ mình đã cất giữ nó ở cái chỗ trang trọng, kỹ càng nào.
Đó là “hội chứng hộ khẩu” ám ảnh một thời.