Tôi đang làm chủ một hộ kinh doanh cá thể có sử dụng 5 lao động. Thời gian tới, do yêu cầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tôi dự định tuyển thêm lao động. Vậy tôi có phải chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức công ty không? Thủ tục thành lập công ty như thế nào?
Bạn đọc Mai Nguyễn (Cà Mau)
Luật sư Nguyễn Sơn Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết có nhiều điểm khác biệt về mặt tư cách pháp nhân, trách nhiệm, nguồn vốn, ngành nghề kinh doanh, quản lý, kế toán, thuế, lợi ích và hạn chế giữa thành lập hộ kinh doanh hay công ty.
Nếu có nhu cầu hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, vốn hạn chế, sử dụng dưới 10 lao động, vốn điều lệ ít, ngành nghề đăng ký kinh doanh ít, ít xuất hoá đơn… hãy thành lập hộ kinh doanh để đơn giản hóa quản lý. Bởi vì hộ kinh doanh là tổ chức do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.
Khi có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, sử dụng nhiều lao động (trên 10 người) nên thành lập công ty. Bởi vì công ty là tổ chức có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm hạn chế bằng vốn điều lệ đã góp, dễ huy động vốn, không hạn chế số lượng người lao động, cũng như không hạn chế ngành nghề kinh doanh.
Do vậy, việc lựa chọn giữa thành lập hộ kinh doanh hay công ty phụ thuộc vào nhu cầu, quy mô và khả năng tài chính của từng người, luật không bắt buộc khi nào phải thành lập doanh nghiệp theo quy mô người lao động.
Tùy vào loại hình doanh nghiệp như Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty Cổ phần, Công ty Hợp Danh… mà trình tự thủ tục thành lập sẽ khác nhau.
Ví dụ thành lập Công ty cổ phần thì hồ sơ, thủ tục như sau:
Chuẩn bị hồ sơ để nộp:
1. Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh
2. Điều lệ công ty có đầy đủ chữ ký của người tham gia thành lập doanh nghiệp
3. Danh sách các cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (nếu có). Nếu cổ đông nước ngoài là tổ chức thì phải có thêm danh sách người đại diện theo quyền.
4. Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau: nếu người thành lập doanh nghiệp là cá nhân thì nộp CCCD; Quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Cách nộp hồ sơ: Người thành lập doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai phương thức nộp hồ sơ sau:
1. Nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và lệ phí trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh.
Phòng đăng ký kinh doanh nhận hồ sơ và trao giấy biên nhận.
Nếu hồ sơ không hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh trao thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc.
Nếu hồ sơ hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh gởi thông tin sang cơ quan thuế để tạo mã số doanh nghiệp. Sau khi nhận được mã số doanh nghiệp từ cơ quan thuế, Phòng đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và lệ phí qua mạng điện tử, có sử dụng chữ ký số hoặc Tài khoản đăng ký kinh doanh, theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.