Hổ tấn công người là vụ việc đáng tiếc…?

Chiều ngày 4-6, xảy ra vụ hổ tấn công người tại doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh (phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương) khiến ông Võ Thành Quới ( 49 tuổi, HKTT tại An Giang) bị hổ cắn đứt lìa cánh tay phải, cánh tay trái bị cắn đứt 1 nửa.

Hiện tại, nạn nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn đang được theo dõi điều trị tích cực tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Nạn nhân đã tự ý xâm nhập vào chuồng hổ…

Khu vực chuồng hổ xảy ra sự việc thương tâm

Trao đổi qua điện thoại với PLO, ông Phạm Văn Bông, Giám Đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Dương cho biết, sự việc xảy ra tại doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh ban đầu được xác định là, nạn nhân có dấu hiệu say sỉn và tự ý vào khu vực nuôi nhốt hổ nên xảy ra sự việc đáng tiếc. Hiện tại, các cơ quan chức năng đang phối hợp để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Phạm Văn Bông, thời điểm xảy ra vụ việc hổ vẫn ở trong chuồng, không bị sổng ra ngoài. Nạn nhân vào khu vực này nhưng chủ doanh nghiệp hoàn toàn không biết.

Hiện tại chủ doanh nghiệp đã hỗ trợ đưa nạn nhân đi cấp cứu. Còn việc bồi thường ra sao thì chủ doanh nghiệp và gia đình nạn nhân sẽ thỏa thuận với nhau.

Sau khi sự việc xảy ra, PLO đã nhiều lần liện lạc với bà Huỳnh Thị Mỹ, chủ doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh để tìm hiểu về vụ việc nhưng không được.

Nạn nhân bị hổ tấn công đang được điều trị tích cực tại bệnh viện Chợ Rẫy

Khu vực nuôi nhốt hổ quá sơ sài 

 

Nhiều lần liên lạc với chủ doanh nghiệp này nhưng không được

Theo Chi cục kiểm lâm tỉnh Bình Dương, hiện tại doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh đang còn nuôi nhốt 5 cá thể hổ, khu vực xảy ra vụ việc tấn công người có nhốt 3 con hổ.

Ghi nhân của phóng viên PLO, khu vực chuồng nuôi nhốt hổ khá sơ sài, không có khu vực cách ly với song sắt. Bất cứ ai cũng có thể đến gần hổ và khoảng cách an toàn chỉ là một khung sắt thưa mỏng. Khu vực này cũng đang trong quá trình sửa chữa.

Khu vực nuôi nhốt hổ tại doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh khá sơ sài

Theo báo cáo nhanh của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, sau khi vụ việc xảy ra cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ cơ sở lập tức tăng cường gia cố 3 ô chuồng đang nuôi nhốt hổ để bảo đảm an toàn trong thời gian sửa chữa; 3 ô chuồng đang sửa chữa phải khẩn trương hoàn thành trong thời gian 10 ngày để di dời 3 cá thể hổ qua rồi mới tiếp tục sửa chữa các ô chuồng còn lại.

Đối với cửa đi vào khu vực chuồng nuôi hổ ráp với đường đê bao, đề nghị chủ nuôi phải khóa cửa này để tránh người lạ đi vào khu vực nuôi hổ. Yêu cầu chủ nuôi rà soát, bổ sung ngay các quy định chặt chẽ đối với công nhân khi làm việc trong chuồng thú dữ và tăng cường phổ biến, kiểm tra các quy định này.

Theo chi cục kiểm lâm tỉnh Bình Dương, trên địa bàn tỉnh có 3 nơi được cấp giấy phép nuôi hổ thí điểm là Công ty Bia Thái Bình dương - Pacific (Dĩ An), khu du lịch Thanh Cảnh (Thuận An) và khu du lịch Đại Nam (Thủ Dầu Một).

Hiện tại chỉ có khu du lịch Đại Nam là kinh doanh du lịch. Hai nơi con lại chỉ nuôi nhốt hổ chứ không còn kinh doanh.

Cả 3 nơi này đều đã để xảy ra tình trạng hổ tấn công người: 10 năm trước, con hổ ở khu du lịch Đại Nam đã sổng chuồng cắn chết một nhân viên. Năm 2016, một con hổ nuôi nhốt tại thị xã Dĩ An cũng làm nhân viên dưỡng thú tử vong. Vụ việc xảy ra ở doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh là nhẹ nhất so với hai lần trước.

Cũng theo chi cục kiểm lâm tỉnh Bình Dương, thì doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh đã ngừng hoạt động từ lâu, nhiều lần cơ quan chức năng đã vận động giao nộp hổ nhưng chủ doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm