Ngày 5-7, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, chủ trì buổi họp báo về triển khai gói hỗ trợ lần hai của TP.HCM đối với người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trước đó, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua Nghị quyết 09 về vấn đề này với gói hỗ trợ khoảng 886 tỉ đồng.
UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân trao tiền hỗ trợ cho
người bán vé số hồi tháng 4-2020. Ảnh: LÊ THOA
Không để lợi dụng chính sách
Tại buổi họp, ông Võ Văn Hoan khẳng định từ khi chuẩn bị đến khi trình HĐND TP, quan điểm của TP về chính sách này là thể hiện trách nhiệm của chính quyền TP trước những khó khăn mà người dân TP bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, TP.HCM đặc biệt quan tâm đến những đối tượng là công nhân lao động, những người yếu thế trong xã hội đang gặp nhiều khó khăn.
TP cũng xác định đây là một trong nhiều giải pháp của chính quyền vừa hỗ trợ cho người dân vừa để thực hiện nghĩa vụ chính trị TP với mục tiêu kép là phòng chống dịch hiệu quả nhưng thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Hoan, yêu cầu của việc hỗ trợ lần này là phải kịp thời, công khai, đúng đối tượng, không để lợi dụng chính sách; làm sao kịp thời đưa chính sách vào thực tiễn, giải quyết các bài toán thực tiễn đặt ra mà nếu để chậm trễ thì tính hiệu quả không cao.
“Làm nhanh nhưng đừng gây phiền hà, làm nhanh nhưng đạt hiệu quả cao nhất” - ông Hoan nói và cho biết lần hỗ trợ này đề cao tính trách nhiệm của người sử dụng lao động, của chính quyền địa phương nhằm thực hiện mục đích cao nhất là phục vụ cho người lao động.
“Chúng ta không được phép buông bỏ trách nhiệm này, chúng ta không để người lao động trực tiếp đi làm thủ tục, việc đó chính là trách nhiệm của chúng ta. Chính vì suy nghĩ như vậy nên trong cách làm chúng tôi đã thay đổi, ngày trước người lao động phải làm đơn, bây giờ người sử dụng lao động và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Cũng theo ông Võ Văn Hoan, trong quá trình thực hiện phải linh hoạt trước những vướng mắc xảy ra, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo UBND TP. Ông đồng thời chỉ đạo các cơ quan phải xử lý nhanh và kết thúc sớm việc hỗ trợ lần này trong tháng 8 với những nội dung hỗ trợ một lần. Ngoài ra, cần phải tăng cường hậu kiểm để xem xét việc đánh giá các hồ sơ có được thực hiện đúng hay không, không để bị lợi dụng làm những việc không đúng mục đích chung mà có mục đích riêng, lợi ích nhóm.
Mời bạn đọc quét mã QR tại đây để xem chi tiết thông tin những người được nhận hỗ trợ từ gói 886 tỉ đồng.
Trong bảy ngày phải có kết quả danh sách phê duyệt
Về vấn đề thủ tục, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan khẳng định hồ sơ sẽ được phê duyệt nhanh chóng. “Chúng tôi quy định tất cả cơ quan khi tiếp nhận hồ sơ thì trong bảy ngày phải có kết quả danh sách được phê duyệt và không được phê duyệt chi trả để phản hồi cho người lao động” - ông Hoan nói và cho biết TP hạn chế chi trả trực tiếp, mà đẩy mạnh việc chi trả thông qua kênh tài khoản, ai không có số tài khoản thì mới đến cơ quan nhà nước để nhận.
Ông cũng đề nghị chính quyền địa phương cần có trả lời chính thức cho người sử dụng lao động và người lao động đối với các hồ sơ không đạt yêu cầu.
Về vấn đề kinh phí, ông Võ Văn Hoan thông tin phần 886 tỉ đồng được nghị quyết HĐND TP.HCM thông qua chỉ là ước tính. Nếu trong quá trình thực hiện có phát sinh các đối tượng thì TP sẽ tiếp tục triển khai thực hiện, chứ không phải vì khống chế số tiền ước tính đó mà chúng ta không thể chi thêm, chi mở rộng. Thậm chí, khi đối chiếu với Nghị quyết 68 của Chính phủ thì sẽ phát sinh thêm một số đối tượng cần hỗ trợ thì TP cũng sẽ bố trí.
Tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết những người chạy xe ôm có thể được hiểu là nằm trong nhóm người lao động tự làm công việc tại nhà (thuộc nhóm lao động tự do bị mất việc làm), cùng với nghề sửa xe, vá xe, may vá… “TP sẽ chỉ đạo cụ thể cho địa phương” - ông Hoan nêu.
Địa phương, doanh nghiệp chịu trách nhiệm lập danh sách Tại buổi họp, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Lê Minh Tấn cho biết thủ tục để được nhận hỗ trợ lần này rất đơn giản, thể hiện trách nhiệm của cơ quan BHXH, chính quyền địa phương và chủ doanh nghiệp. Theo đó, ở các nhóm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương có tham gia BHXH; lao động tự do bị mất việc làm; hộ kinh doanh cá thể tại quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12), các khu vực bị phong tỏa và thương nhân tại các chợ truyền thống sẽ được chính quyền địa phương, chủ doanh nghiệp, ban quản lý chợ lập danh sách. Danh sách này sẽ được gửi về BHXH TP Thủ Đức, quận, huyện nơi người lao động sinh sống, doanh nghiệp đang trú đóng để rà soát, kiểm tra. Nếu đủ điều kiện hỗ trợ thì gửi về UBND cấp huyện (thông qua Phòng LĐ-TB&XH) để quyết định hỗ trợ chi trả. Riêng nhóm người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải có giấy đề nghị hỗ trợ gửi kèm bản phôtô quyết định hoặc thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, gửi BHXH TP Thủ Đức và quận, huyện (nơi người lao động sinh sống). Sau khi tiếp nhận, BHXH sẽ rà soát, nếu đủ điều kiện hỗ trợ thì gửi về UBND TP Thủ Đức và quận, huyện để quyết định hỗ trợ chi trả. |