Hỗ trợ ngay để khách hàng thiệt hại do bão số 3 hồi phục sản xuất, kinh doanh

(PLO)- Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ của các tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 lên tới khoảng 165.000 tỉ đồng với hơn 94.000 khách hàng bị thiệt hại về tài sản.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Do đó, để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do bão số 3 có cơ hội phục hồi và phát triển một cách bền vững, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3.

Nhiều cơ chế hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do bão số 3

Dự thảo Thông tư này không điều chỉnh hoạt động cơ cấu lại thời gian trả nợ của các ngân hàng chính sách gồm (NHCSXH, VDB) do những ngân hàng này có cơ chế xử lý rủi ro riêng do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Theo đó, Dự thảo Thông tư quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do ảnh hưởng, thiệt hại sau bão số 3.

Cụ thể, khách hàng thuộc đối tượng nêu trên có dư nợ gốc phát sinh trước ngày 7-9-2024 và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong khoảng thời gian từ ngày 7-9-2024 đến hết ngày 31-12-2025; Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ đã quá hạn trên 10 ngày trong khoảng thời gian từ ngày 7-9-2024 đến ngày Thông tư này có hiệu lực khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu tiên theo quy định tại Thông tư này.

Việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2025 và không giới hạn về số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, trên thực tế có trường hợp khách hàng A không bị thiệt hại về tài sản do bão số 3, nhưng do đối tác của họ ở trong vùng bị ảnh hưởng của bão số 3, nên không thể thực hiện thanh toán đúng cam kết. Điều này dẫn đến khách hàng A gặp khó khăn trong việc trả nợ. Đây là tình huống khách quan, bất khả kháng và có thể xảy ra trong thực tế.

Hoặc có nhiều khách hàng bị thiệt hại nặng nề như mất hết lồng bè và cá, thiệt hại phần lớn vật nuôi cây trồng…Sau khi hết thiên tai, khách hàng cần thời gian nhất định để tìm kiếm cứu nạn người mất tích, thu dọn, sắp xếp, sửa chữa nhà cửa, cơ sở kinh doanh…

Việc thu xếp nguồn vốn để sửa chữa, phục hồi cơ sở sản xuất kinh doanh, mua giống vật nuôi, cây trồng cũng hết sức khó khăn. Do vậy, việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính, kế hoạch trả nợ đảm bảo khả năng trả nợ sau cơ cấu theo quy định hiện hành về cơ cấu lại thời hạn trả nợ là rất khó khăn.

Mức độ thiệt hại do bão số 3 gây ra cho khách hàng của ngân hàng là rất lớn
Mức độ thiệt hại do bão số 3 gây ra cho khách hàng của ngân hàng là rất lớn. Ảnh minh họa

Do vậy, để hỗ trợ kịp thời cho khách hàng, Dự thảo Thông tư đã có quy định để gỡ cho những tình huống phát sinh thực tế nêu trên.

Thời điểm trả nợ cuối cùng của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng nhưng không vượt quá ngày 31-12-2026.

Cứu doanh nghiệp phục hồi sau bão số 3

Đánh giá về tác động của Dự thảo, NHNN cho rằng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ của tổ chức tín dụng cho khách hàng có tác động tích cực, giúp khách hàng được điều chỉnh lại kế hoạch trả nợ phù hợp với khả năng thu xếp các nguồn tiền trả nợ. Đồng thời giúp khách hàng có dòng tiền để tiếp tục duy trì hoạt động, sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết thêm: "Việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng bị ảnh hưởng do bão số 3 là một chính sách mang tính nhân văn. Nhưng làm sao để nó đi vào thực tế và giúp ích được nhiều người, là điều cần quan tâm hơn cả.

Theo tôi, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu thiệt hại do bão số 3 một cách mạnh mẽ và hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ cả từ phía ngân hàng thương mại, chính sách tài khóa, nguồn lực các chương trình trước đây chưa sử dụng hết, cho đến các quỹ ủng hộ của Mặt trận Tổ quốc…

"Bên cạnh việc xây dựng các chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại khi triển khai cho vay hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do bão số 3, NHNN còn kêu gọi các nhà băng miễn giảm lãi vay, thiết kế các gói tín dụng mới", ông Huân nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng việc các ngân hàng sẽ không mấy mặn mà khi cho vay mới đối với nhóm khách hàng này. Bởi lẽ, không ngân hàng nào dám cho vay nếu biết trước khoản vay sẽ rơi vào cảnh “đứng cho vay, quỳ đòi nợ”.

Chưa kể, nguồn lực để hỗ trợ giảm lãi suất tại các ngân hàng thương mại hiện cũng đã cạn do thời gian qua, các nhà băng đã chủ động cắt giảm lợi nhuận, để hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19. Bởi ngân hàng cũng là doanh nghiệp, họ cũng phải đảm bảo an toàn vốn.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại vốn nhà nước cho biết: Cơn bão số 3 được xem là sự kiện bất khả kháng và gây thiệt hại đến nhiều khách hàng hiện hữu tại 26 tỉnh thành có bão đi qua. Có những khách hàng bị thất thoát tài sản, thậm chí có người mất khả năng trả cả gốc lẫn lãi.

Khi ngân hàng thương mại triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành riêng cho những khách hàng bị thiệt hại do bão số 3 đã đem đến nhiều tác động tích cực. Một phần, các gói này vừa giúp khách hàng đảo nợ, tức là được tất toán khoản vay cũ với lãi suất cao để chuyển sang vay gói tín dụng mới với lãi suất thấp.

Mặt khác, ngân hàng cũng bơm thêm cho nhóm khách hàng này một phần vốn để họ có nguồn nguyên liệu sản xuất. Thiết kế gói tín dụng dành riêng cho khách hàng bị thiệt hại do bão số 3 có hơi khác với các gói tín dụng ưu đãi khác, đó là cả hai bên phải cùng phải làm để “cứu nhau”. Bởi nếu không, một khi khách hàng không có khả năng trả nợ thì ngân hàng cũng “chết” do nợ xấu vốn đã cao, nay sẽ càng cao hơn.

Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất hiện nay là nguồn lực của các ngân hàng thương mại dành cho khách hàng bị thiệt hại do bão số 3 đang rất hạn hẹp. Do chỉ tiêu kinh doanh từ đầu năm đề ra không thay đổi, tức là vẫn phải đảm bảo mục tiêu lợi nhuận trong khi để hỗ trợ cho nhóm khách hàng này lại cần một nguồn ngân sách rất lớn.

Bằng chứng là lãi suất cho vay ngắn hạn cho nhóm khách hàng này hiện chỉ có khoảng 3 – 3,5%/năm trong khi giá vốn trung bình trên toàn hệ thống đã lên khoảng 5,5%/năm, tức là ngân hàng lỗ 2,5%, chưa tính chi phí vận hành... Chính vì vậy, nếu ngân hàng “bao” hết các thiệt hại cho khách hàng thì chắc chắn sẽ lỗ nặng và kế hoạch kinh doanh đề ra từ đầu năm cũng thất bại.

Vị lãnh đạo này cho biết thêm, hiện nay việc giải ngân theo gói tín dụng này chưa nhiều do giai đoạn này các chi nhánh đang tiếp nhận hồ sơ của khách hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm