Khoảng 1% tổng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng do bão số 3

(PLO)- Mặc dù nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh hơn, song các ngân hàng vẫn dành nguồn lực để hỗ trợ cắt giảm lãi suất cho vay đối với những khách hàng bị thiệt hại do bão số 3.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa ký ban hành Chỉ thị số 04 yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện khẩn trương các giải pháp cụ thể, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão số 3.

Trong đó, Thống đốc NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng. Đồng thời xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành.

Các ngân hàng tập trung hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3
Các ngân hàng tập trung hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Ảnh minh hoạ

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: Điểm nổi bật của Chỉ thị 04 là việc nhận diện, đánh giá những khó khăn vướng mắc của người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bão số 3 một cách kịp thời.

Chỉ đạo thực hiện ngay những cơ chế chính sách hiện có để các đơn vị, đặc biệt là các tổ chức tín dụng thực hiện ngay, không chờ chính sách mới và kết quả xử lý kiến nghị. Đây là điểm nhấn, sự khác biệt và sẽ mang lại những kết quả quan trọng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất nhanh chóng hơn.

Ông Lệnh cho biết thêm, các cơ chế chính sách hiện hành gồm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất cho vay, về cho vay doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã.

Trong đó, việc miễn giảm lãi suất cho vay một cách hợp lý không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp người dân gặp khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh mà đây còn là giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho phát triển kinh tế xã hội tại các tỉnh thành phố bị ảnh hưởng, từ đó tạo sự lan tỏa, sự phục hồi và động lực tăng trưởng mới.

Đối với các tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi bão, lũ có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh nông lâm, ngư nghiệp rất lớn. Vì vậy, các đối tượng cần hỗ trợ, nhất là hộ nông dân, người dân nuôi trồng nông lâm, thủy sản hoàn toàn có thể vận dụng chính sách từ Nghị định 55. Trong đó, khi chính quyền địa phương công bố thiệt hại do thiên tai dịch bệnh, sẽ được vận dụng các cơ chế về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ…

Bên cạnh đó, các hoạt động cho vay đối tượng chính sách (thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội) và cho vay tiêu dùng, với lãi suất ưu đãi từ các công ty tài chính tiêu dùng.

“Trong khi đó cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng phối hợp với các cơ sở kinh doanh vật liệu, các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, phương tiện đi lại, sinh hoạt, với phương thức cho vay tín chấp, giải ngân nhanh phục vụ cho đời sống người dân bị ảnh hưởng sau bão, lũ”, ông Lệnh nhấn mạnh.

Bão số 3 gây thiệt hại các hàng loạt doanh nghiệp, người dân cũng đồng nghĩa ảnh hưởng đến ngành ngân hàng bởi khi khách hàng chịu ảnh hưởng bão, sẽ dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay mới.

Số liệu thống kê của NHNN cho thấy tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng do bão lũ tính đến nay là khoảng 116.000 tỉ đồng, tương ứng khoảng 1% dư nợ toàn hệ thống. Điều này kéo theo nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ còn tiếp tục tăng trong khi những khoản nợ xấu cũ vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Dù vậy, đến nay vẫn có 32/40 ngân hàng đăng ký các gói tín dụng mới với tổng số tiền lên tới 405.000 tỉ đồng, lãi suất giảm từ 0,5-2%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm