Hơn 30 năm qua, với sứ mệnh cung cấp dịch vụ giáo dục cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn (451/1 Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3) đã chủ động tiếp cận những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, vận động hỗ trợ học bổng tối thiểu một cấp học để trẻ có cơ hội học tập trọn vẹn.
Tiếp sức đến trường, hỗ trợ việc làm
Vào cuối năm cấp 1, gia đình em NPN gặp nhiều xáo trộn, khó khăn, dẫn đến ba mẹ em ly hôn. Em N phải ở với ông bà ngoại. Thế nhưng, ông bà ngoại không thường xuyên quan tâm, có lúc còn tác động vật lý em N.
Đây là cú sốc đầu đời với em, một đứa trẻ chỉ vừa học lớp 5 đã trải qua nhiều biến cố. Em N không thể vững được tinh thần, muốn nghỉ học.
Thời gian sau đó, em N được đưa đến Thảo Đàn để hỗ trợ. Qua hoạt động chăm sóc, chuyên gia tâm lý tại Thảo Đàn cho hay em N mắc chứng sợ bị bỏ rơi.
Cạnh đó, em N được nhân viên xã hội của Thảo Đàn giúp đỡ, hỗ trợ tâm lý và được nhận học bổng để tiếp tục hành trình đến trường. Tại Thảo Đàn, N được tham gia những lớp kỹ năng sống, tư vấn học nghề mà em thích trong dịp hè để phụ gia đình.
Sau một thời gian dài, em N đã dần tin tưởng, cởi mở hơn. Hiện tại, N đã học đến lớp 9, đạt danh hiệu học sinh khá năm học vừa qua. N đã tự tin thốt lên rằng: “Con muốn được học đại học”. Để tự tin nói lên mong muốn của mình, N phải trải qua nhiều năm đồng hành cùng các nhân viên xã hội tại Thảo Đàn.
Nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ Thảo Đàn còn có trường hợp của LHD (26 tuổi). Chị VNNT (quận 10, TP.HCM), mẹ của D cho biết D bị suy yếu tuyến yên từ nhỏ, đồng thời D bị tự kỷ bẩm sinh. Qua lời giới thiệu của một người bạn, chị T đã đưa D đến Thảo Đàn để được hỗ trợ vào tháng 6-2020.
D tự kỷ nhưng không có môi trường D giao tiếp, nên khi đó D rất chậm chạp, nóng tính.
Sau khi được nhân viên xã hội tại Thảo Đàn theo dõi, hỗ trợ và chăm sóc, D dần thay đổi. Hiện tại, D đang được hỗ trợ làm việc tại Thảo Đàn với nhiệm vụ nhắc nhở trẻ, cùng chơi với trẻ, hỗ trợ trực lớp, chấm công, hướng dẫn trẻ đến lớp, dọn đồ và để dép lên kệ.
“Tôi đưa con đến Thảo Đàn là đang đưa gánh nặng, chứ đâu có đưa hoa quả ngọt gì, vậy mà tôi không phải chi trả chi hết, ngược lại con tôi còn được hỗ trợ thêm tiền lương nữa” - chị T xúc động nói.
Chị T cho hay con chị được hỗ trợ làm cho hay con chị được hỗ trợ làm việc 5 năm để rèn luyện sự hòa nhập, nay là năm thứ 3.
“Từ lúc con tôi đi làm, hầu như tôi không hỗ trợ gì nhiều, nếu có chuyện gì cần trao đổi, Thảo Đàn sẽ liên lạc và hướng dẫn tôi. Có lần, nhân viên xã hội gọi về nhờ tôi nói chuyện nhiều hơn với con” - chị T kể.
Chứng kiến đứa con đặc biệt của mình tiến bộ từng ngày, chị T nghẹn ngào bày tỏ sự cảm kích: “Đứa bé không bình thường mà được như vậy là cả một hành trình dài được các cô ở Thảo Đàn dìu dắt”.
Tương tự, trường hợp của em NHLB được Thảo Đàn hỗ trợ từ năm 2018, lúc này B đang theo học lớp 1.
Vì hoàn cảnh gia đình em B rất khó khăn, ba mẹ không có thu nhập ổn định, sống trong khu lao động gần chợ nên dễ rơi vào nguy cơ lêu lổng dẫn đến bỏ học. Việc học của B hoàn toàn tự do, không có người theo dõi kèm cặp.
Nhận diện được nhu cầu của bé B cần được đồng hành, Thảo Đàn đã hỗ trợ bảo hiểm y tế, đồ dùng sách vở học tập. Ngoài ra, bé B được đến tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ tiếng Anh, kỹ năng sống. Trong suốt 4 năm liền, bé B luôn đạt kết quả học và hạnh kiểm tốt.
Nhờ sự hỗ trợ và đồng hành của nhân viên xã hội tại Thảo Đàn, B đã ý thức được việc học cần cho bản thân và quyết tâm học lên cấp 2.
Giúp trẻ phát triển toàn diện
Bà Lê Thị Ngân, Giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn cho biết trẻ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt được hỗ trợ học bổngthôi vẫn chưa đủ. Đôi khi, trẻ gặp vấn đề về tâm lý, Thảo Đàn sẽ có những hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần.
“Từ năm 2022 đến nay, Thảo Đàn xây dựng mô hình đồng hành giáo dục đó là chương trình Học cùng em với mong muốn có mô hình cộng hưởng để trẻ có hoàn cảnh đặc biệt thích nghi với thời đại công nghệ số” - bà Ngân nhấn mạnh.
Trong quá trình hỗ trợ, đã có bé hỏi bà Ngân: “Con học năm nay rồi không biết năm sau mẹ con có tiền đóng học không hay con đi làm?”. Nghe vậy, bà Ngân cho hay bản thân rất xúc động nhưng chỉ biết an ủi bé và bảo con cứ yên tâm đi học.
Cũng theo bà Ngân, dù các em là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng Thảo Đàn luôn mong mỏi và đảm bảo trẻ phải được tiếp cận những điều mới mẻ để có cơ hội phát triển phù hợp với thời đại công nghệ số hiện nay.
Là một trong những mạnh thường quân hỗ trợ đồng hành cùng Thảo Đàn, cô Nguyễn Thị Xuân, Giảng viên Trường Cao đẳng Kiến trúc TP.HCM, cho biết: “Tôi cũng như Thảo Đàn luôn chú trọng vào việc giáo dục văn hóa, kỹ năng mềm cho trẻ, giúp các em phát triển toàn diện, đồng thời hỗ trợ cha mẹ hoặc giám hộ có những kiến thức, kỹ năng phù hợp để giáo dục trẻ, hỗ trợ sinh kế.
Đây là các hoạt động ý nghĩa, nhằm giảm thiểu khả năng bỏ học đối với các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt” - cô Xuân nói.
Theo cô Nguyễn Thị Ngọc, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Công tác xã hội Chuyên nghiệp, cô nhận thấy khi đồng hành một thời gian, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt sẽ mạnh dạn hơn, chịu lắng nghe, chia sẻ, dám chia sẻ, biết đặt niềm tin và bớt mặc cảm. Đặc biệt, các em biết nhìn vấn đề của mình theo hướng lạc quan, tích cực.
“Ai cũng có lúc gặp vấn đề về tâm lý, người lớn hay trẻ em cũng vậy, đặc biệt là trẻ có hoàn cảnh khó khăn sẽ phải đối mặt nhiều hơn nên việc hỗ trợ về tinh thần là không thể thiếu” - cô Ngọc nhấn mạnh.
Theo dõi hành trình của Cơ sở bảo trợ Thảo Đàn, đại diện Phòng LĐ-TB&XH quận 3, (TP.HCM) cho biết luôn tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở hoạt động. Nếu cơ sở có đề xuất hoặc gặp khó khăn, phòng sẽ hỗ trợ Thảo Đàn trong phạm vi pháp luật và điều chỉnh cho phép.
Cạnh đó, đại diện Phòng LĐ-TB&XH quận 3 cũng mong muốn cơ sở bảo trợ sẽ giới thiệu rộng khắp hơn nữa hoạt động của mình, có sự phối hợp với các phường để được hỗ trợ nhiều hơn nữa.
Tiền thân là hoạt động chăm sóc trẻ em đường phố
Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn, tiền thân là Chương trình chăm sóc trẻ em đường phố Thảo Đàn, ra đời năm 1992. Chương trình được khởi xướng bởi một nhóm thanh niên tình nguyện thường xuyên sinh hoạt tại hai địa điểm chính là Thảo Cầm Viên và Tao Đàn.
Đây là tổ chức làm làm việc với trẻ em thông qua hoạt động dạy học hỗ trợ các em trên đường phố được đi học và có cuộc sống ổn định hơn.
Năm 2008, Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn chính thức được UBND quận 3 cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Thảo Đàn tiếp cận dựa trên nhu cầu, vận động hỗ trợ học bổng tối thiểu một cấp học để trẻ có cơ hội học tập trọn vẹn.