Hòa đàm Nga - Ukraine sẽ được nối lại trong năm 2023?

(PLO)- Triển vọng đàm phán hòa bình Nga - Ukraine - vốn bị đình trệ và bế tắc từ cuối tháng 3-2022 - gần đây được giới ngoại giao đề cập nhiều, liệu xung đột Nga - Ukraine sẽ kết thúc trong năm 2023?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuộc chiến Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 10 tháng. Dù hai bên có một số thay đổi về chiến thuật trên chiến trường trong bối cảnh mùa đông lạnh giá, tuy nhiên cục diện chiến sự vẫn giằng dai. Về ngoại giao, triển vọng đàm phán hòa bình - vốn bị đình trệ và bế tắc từ cuối tháng 3-2022 - thời gian gần đây đã xuất hiện trong giới ngoại giao, theo tờ El Pais.

Mỹ, phương Tây bật đèn xanh

Ngày 9-11-2022, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng lục quân Mark Milley lưu ý rằng mặt trận sẽ “tương đối tĩnh” trong mùa đông và “một chiến thắng quân sự có thể không đạt được, cần chuyển sang các biện pháp khác”, do đó “khi có cơ hội đàm phán, khi có thể đạt được hòa bình, phải tận dụng”.

Lúc này có thể còn quá sớm để các bên ngồi xuống và đối thoại, song việc chuẩn bị cuộc đàm phán vẫn là điều hợp lý. Điều này sẽ gửi một thông điệp tới thế giới - đặc biệt là tới các quốc gia bị ảnh hưởng vì cuộc xung đột, có thể là do giá năng lượng tăng hoặc tình trạng thiếu thực phẩm - rằng ít nhất cộng đồng quốc tế có ý chí chấm dứt xung đột - ông BORJA LASHERAS, chuyên gia về Ukraine tại Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (Mỹ)

Một tuần sau đó, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia, một số nước lớn như Ấn Độ và Indonesia kêu gọi đàm phán chấm dứt chiến sự. Kết thúc G20, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra ý tưởng rằng “Trung Quốc có thể đóng vai trò hòa giải quan trọng hơn trong những tháng tới”.

Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Macron ngày 1-12-2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông sẵn sàng nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan xung đột ở Ukraine. Phát ngôn của ông Biden rất được chú ý, dù ông đưa thêm điều kiện là cuộc đối thoại chỉ có thể diễn ra sau khi các đồng minh NATO được hỏi ý kiến và chỉ khi ông Putin thể hiện thiện chí tìm cách chấm dứt xung đột. Đây là quan điểm rõ ràng nhất của ông Biden liên quan khả năng ông đối thoại với phía Nga, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu.

Ngày 2-12-2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc điện đàm với ông Putin và cởi mở khả năng đàm phán. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thì ám chỉ rằng “hầu hết các cuộc chiến tranh đều kết thúc trên bàn đàm phán… rất có thể, cuộc chiến này cũng sẽ như vậy”.

Ngay cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - người hồi đầu tháng 10-2022 đã ký sắc lệnh loại trừ khả năng đàm phán với ông Putin - những ngày qua đã cho thấy lập trường dịu hơn, thể hiện sự sẵn sàng đối thoại, miễn là phía Nga đáp ứng những điều kiện tiên quyết.

Người dân bị thương trong giao tranh tại tỉnh Kherson trong ngày Giáng sinh 24-12-2022. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Người dân bị thương trong giao tranh tại tỉnh Kherson trong ngày Giáng sinh 24-12-2022.
Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Các bên rồi sẽ ngồi lại?

Những phát ngôn của lãnh đạo các nước lớn đã làm dấy lên hy vọng về khả năng các bên sẽ ngồi lại và thống nhất được cách chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những quan điểm công khai này, hầu hết chính trị gia và chuyên gia địa chính trị đều nhất trí rằng đàm phán hòa bình Nga - Ukraine sẽ không sớm diễn ra. Lý do, đến lúc này các bên vẫn không đạt được các điều kiện để có thể ngồi lại đàm phán, theo El Pais.

Ukraine đã thể hiện ý chí kiên định tiếp tục chiến đấu cho đến khi chiếm lại toàn bộ lãnh thổ. Các nước phương Tây vẫn kiên quyết cam kết trừng phạt Nga và tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev.

Trong vài tháng qua, lực lượng vũ trang Ukraine đã thành công đáng kể trong việc đẩy lùi bước tiến của Nga và giành lại lãnh thổ. Nhà nghiên cứu cấp cao Carmen Claudín tại Trung tâm Các vấn đề quốc tế Barcelona (tổ chức tư vấn các vấn đề quốc tế ở Tây Ban Nha) chỉ ra rằng “lãnh đạo Ukraine đã nói rất rõ ràng rằng họ đang tìm kiếm chiến thắng hoàn toàn”.

Những chiến thắng quan trọng trên khắp mặt trận phía đông của phía Ukraine đã cổ vũ tinh thần, đồng thời khuyến khích các đồng minh tiếp tục hỗ trợ. Cả các chính phủ phương Tây và các công ty tư nhân lớn đã tăng cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí, hỗ trợ kỹ thuật và tình báo.

Trong khi đó, Nga huy động quân và sáp nhập lãnh thổ từ Ukraine, không có dấu hiệu sẽ từ bỏ chiến dịch.

Hầu hết chuyên gia đồng ý rằng phương Tây sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine để nước này tái chiếm lãnh thổ do Nga kiểm soát. Hiện tại, phương Tây không có ý định làm áp lực để chính phủ của ông Zelensky ngồi vào bàn đàm phán, đặc biệt là khi phía Nga dường như không sẵn sàng trao trả lãnh thổ cho Ukraine. Tuy nhiên, những suy nghĩ đã xuất hiện đây đó trong vài tuần qua cho thấy phương Tây xem xét nghiêm túc một kịch bản thay thế cho chiến thắng quân sự toàn diện trước Nga.•

Ukraine, Nga tranh cãi về kế hoạch hòa bình

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 29-12-2022 cho biết Moscow không từ chối tham gia đàm phán với Ukraine, theo đài RT. Ông Lavrov lưu ý đến các vòng đàm phán trước đó với Ukraine, đồng thời cho rằng việc hai bên từng ngồi lại cho thấy việc tìm kiếm một sự thỏa hiệp không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Tuy nhiên, ông Lavrov cũng tuyên bố rằng Nga không chấp nhận và sẽ không thảo luận về các điều khoản trong “công thức hòa bình” do phía Ukraine đưa ra.

Trước đó, ngày 28-12-2022, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cũng bác kế hoạch “kế hoạch hòa bình 10 điểm” của phía Ukraine. Ông Peskov tuyên bố rằng các đề xuất chấm dứt xung đột “phải tính đến thực tế hiện tại liên quan bốn khu vực đã sáp nhập vào Nga. Bất kỳ kế hoạch nào không tính đến những thực tế này sẽ không thể mang lại hòa bình”.

Ý ông Lavrov và ông Peskov muốn nói đến kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công khai hồi tháng 11. Kế hoạch yêu cầu Nga rút toàn bộ quân và tôn trọng chủ quyền của Ukraine, bao gồm các tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson, Zaporizhia mà Nga tuyên bố sáp nhập hồi tháng 9 và cả bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ năm 2014.

Ngày 26-12-2022, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng nước này đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình quốc tế vào tháng 2-2023 - thời điểm cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài đúng một năm - tại Liên Hợp Quốc để thảo luận về kế hoạch hòa bình trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm