Nhiều người dân tá hỏa khi hóa đơn tiền điện tăng cao trong một, hai tháng gần đây. Có hộ gia đình tiền điện tăng gấp đôi, có gia đình tăng gấp 1,5 lần. Cũng từ đó, nhiều người dân rỉ tai nhau nhiều tuyệt chiêu, trong đó có nhiều cách "độc lạ" để tiết kiệm điện.
Trốn nhà ra quán cà phê
Chị Lý Ngọc An (TP Thủ Đức) cho biết TP.HCM đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng nên hóa đơn tiền điện tháng 5 nhà chị tăng cao đột biến. Chị An cho biết dù ở một mình, lượng điện chị vẫn dùng như những tháng trước đó song hóa đơn tiền điện tháng 5 là 500.000 đồng trong khi tháng 4 là 290.000 đồng.
Trước tình trạng này, thay vì làm việc tại nhà, chị An quyết định ra làm việc tại quán cà phê.
"Vào thời điểm nắng nóng đỉnh điểm, mình ngồi làm việc tại quán cà phê vẫn đảm bảo công việc lại được mát mẻ, đặc biệt lại tiết kiệm điện cho gia đình hơn trước" - chị An chia sẻ.
Nhiều người chọn các quán cà phê để làm việc, vừa mát lại tiết kiệm điện. Ảnh: ĐÀO TRANG |
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hà (TP Thủ Đức) cũng cho biết việc tiết kiệm điện đang là vấn đề cấp thiết. Vì vậy, gia đình chị chỉ sử dụng các thiết bị điện khi thật sự cần thiết.
"Tôi tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời, gió tự nhiên và ít sử dụng các thiết bị điện. Hơn hết, ban ngày khi đi làm tôi đã cúp cầu giao, tranh thủ làm việc ở những không gian chung như quán cà phê cũng giúp tiết kiệm điện hơn. Tháng 5 nhiều gia đình than hóa đơn tiền điện tăng cao song nhà tôi chỉ tăng khoảng 200.000 đồng so với tháng 4" - chị Dung nói.
Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào các mùa nắng nóng và tháng 5, 6, 7.
Mới đây, công suất tiêu thụ cực đại đạt 43.300 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9,12% so với cùng kỳ tháng 5-2022).
Chỉ sử dụng máy lạnh khi không thể chịu nổi
Thay vì ra quán cà phê, chị Thanh Dung (quận Tân Bình) lại rất chủ động trong việc tiết kiệm điện.
Theo chị Dung đầu tiên để tiết kiệm điện là hạn chế sử dụng máy lạnh, bởi lẽ nó là "thủ phạm" gây ngốn điện nhất, nên chỉ khi nào nóng tới độ "nhức đầu" thì mới mở máy lạnh.
Điện lực TP.HCM hướng dẫn khách hàng cài app CSKH để theo dõi lượng điện tiêu thụ định kỳ. Ảnh: ĐÀO TRANG |
Bên cạnh đó, gia đình chị còn chống nóng bằng cách lựa chọn đồ ở nhà thật mát mẻ, dọn dẹp nhà sạch sẽ thông thoáng, uống nhiều nước, mở cửa sổ để đón gió tự nhiên... Khi làm hết các biện pháp trên, đến đêm nếu nóng quá gia đình chị mới sử dụng máy lạnh nhưng không quên chọn nhiệt độ từ 26 độ trở lên và hẹn giờ tắt cho máy lạnh.
Đối với các thiết bị điện khác, chị Dung cho biết chỉ sử dụng đèn khi cần thiết, không bật tất cả. Trường hợp nấu ăn bằng bếp điện cũng phải tính toán thời gian cho chuẩn, khi đồ ăn gần chín cần tắt bếp ngay, không để nấu đồ ăn trên bếp quá lâu, không tắt mở bếp nhiều lần.
"Sử dụng máy hút bụi nhanh lẹ, không cà kê, tivi không xem thì tắt ngay chứ không mở cho vui nhà. Với các biện pháp trên nên hóa đơn tiền điện tháng 5 gia đình tôi tăng không quá 50%" - chị Dung nói.
Tương tự, anh Nguyễn Hữu Huy, quận 8 cũng phải ngạc nhiên sau 1 tháng không sử dụng máy lạnh. Do vợ anh Huy đang bệnh nên phải kiêng lạnh, vì vậy suốt một tháng qua gia đình anh không sử dụng máy lạnh. Đến cuối tháng nhận hóa đơn tiền điện thì ai cũng bất ngờ.
Hóa đơn tiền điện nhà anh Hữu Huy không thay đổi quá nhiều vào mùa nắng nóng. Ảnh:HH |
"Tôi thấy hóa đơn tiền điện nhà ai cũng cao, ai cũng than nhưng gia đình tôi chỉ tăng từ 238.000 đồng lên 289.000 đồng, dù thời tiết rất nắng nóng" - anh Huy chia sẻ.
Bên cạnh việc không sử dụng máy lạnh, anh Huy cho biết gia đình anh đều sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, hễ ra khỏi nhà, anh Huy đều kiểm tra các thiết bị điện, rút các phích cắm để đảm bảo an toàn và giảm hao tổn điện năng.
Không nấu cơm, giặt đồ quá sớm
Chị Lê Hương Thảo (TP Thủ Đức) là một trong những người được xin "bí kíp" khi tiết kiệm điện thành công trong mùa nắng nóng. Hóa đơn tiền điện của chị luôn không quá chênh lệch so với những tháng bình thường.
Chị Thảo cho biết xây dựng thói quen sử dụng điện rất quan trọng. Chị có thói quen rút tất cả phích cắm của các thiết bị điện ra khỏi ổ cắm khi không dùng (trừ tủ lạnh phải dùng 24/24); Cúp cầu dao điện (CB) đối với máy nước nóng, điều hòa nhiệt độ, bếp từ, bếp điện... Bởi thực tế, các thiết bị vẫn chạy ngầm và tiêu tốn khoảng 10 - 15% lượng điện năng/tháng.
Sử dụng máy lạnh, máy giặt theo khung giờ để tiết kiệm điện. Ảnh: Nguyễn Tiến |
"Nhà tôi thì có một động tác khi ra khỏi nhà là cúp tất cả CB điện, trừ CB dùng cho tủ lạnh" - chị Thảo chia sẻ.
Thứ hai là cách sử dụng máy lạnh, chị Thảo luôn mở điều hòa từ 26 độ trở lên, ngay cả khi mới mở. Chị Thảo cho biết nhiều người có thói quen mở từ 17 độ cho nhanh mát rồi tăng dần nhiệt độ lên. Điều này vô tình làm cục nóng điều hòa phải gồng mình lên để chạy cho đến khi nhiệt độ phòng đạt như mong muốn. Trường hợp nhiệt độ ngoài trời càng nóng thì máy càng phải làm việc cật lực hơn. Vì vậy, hóa đơn tiền điện thường tăng cao vào mùa nắng nóng dù các gia đình vẫn dùng như thường lệ.
Thứ ba là không dùng nhiều thiết bị tiêu thụ điện năng cao cùng lúc. Ví dụ nếu đang giặt đồ thì không ủi quần áo. Chị Thảo cũng cho rằng chúng ta tuyệt đối không ủi đồ trong phòng khi đang mở máy lạnh, hơi nóng từ bàn ủi tỏa ra lại làm cho máy lạnh phải gồng mình lên nữa để cho nhiệt độ phòng giảm xuống.
"Tôi còn cầu kỳ hơn nữa là ít giặt đồ vào giờ cao điểm. Nghĩa là khi mọi người, mọi nhà đang ồ ạt dùng điện thì gia đình tôi chọn giặt đồ sau 22 giờ hoặc lúc 5 giờ sáng. Lúc này điện tương đối khỏe, các thiết bị điện không phải gồng mình lên để làm việc" - chị Thảo chia sẻ.
Bên cạnh đó, chị Thảo khuyên mọi người đừng nấu cơm quá sớm hoặc cắm nồi cơm điện nguyên cả ngày. Lúc này cơm ăn cơm không ngon mà lại tốn điện, lãng phí điện.
Không mặc áo vest, hạn chế sử dụng thang máy
UBND TP.HCM vừa có công văn đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác tiết kiệm điện trên địa bàn TP, đẩy mạnh tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn TP, nhất là giai đoạn cao điểm nắng nóng có nguy cơ thiếu điện do thiếu hụt nguồn nước.
UBND TP đề nghị nhân viên các đơn vị hành chính sự nghiệp không mặc áo vest là một trong những giải pháp để tiết kiệm điện.
Với các trường học, trung tâm đào tạo, UBND TP yêu cầu điều chỉnh máy lạnh ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên; mở máy điều hòa trễ 60 phút và tắt máy điều hòa sớm 60 phút so với giờ bắt đầu và giờ kết thúc lớp học.
Khuyến khích di chuyển bằng cầu thang bộ giữa các tầng gần nhau; tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí, quảng cáo, bảng hiệu từ 22 giờ.