Tàu điện mẫu tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Theo ông Thành, thiết kế đầu tàu mẫu được lựa chọn hình dạng đầu tàu vát, gần với hình dạng khí động học, hiện đại, năng động thường thấy ở các đoàn tàu tốc độ cao hiện nay. Kính chắn gió, cửa sổ tàu hài hòa cùng các toa còn lại nhằm tạo dáng vẻ hiện đại, nhanh nhẹn, năng động nhưng vẫn lịch lãm, thích hợp với phong cách, bản sắc văn hóa của thủ đô.
Cũng theo ông Thành, họa tiết trang trí của đầu tàu thể hiện nét đặc trưng văn hóa của TP Hà Nội, lựa chọn biểu tượng Khuê Văn Các ở giữa đầu tàu, tại vị trí nổi bật. Màu sắc chủ đạo của tàu là màu xanh lá cây tươi sáng, tạo cảm giác trẻ trung, năng động nhưng thân thiện với thiên nhiên, môi trường, thể hiện xu hướng hài hòa với thiên nhiên.
Nội thất mẫu tàu điện tuyến Cát Linh - Hà Đông.
“Nội thất của tàu được lựa chọn phương án bố trí hai hàng cột cong về phía giữa toa tàu, người đi tàu thuận tiện hơn khi ngồi nắm tay vào cột. Hàng cột giữa dọc theo lối đi giữa toa tàu và cột ngang tại hai phía của ghế cho phép hành khách đứng bám ổn định khi đông khách. Đặc biệt, tại hai đầu của mỗi toa tàu có bố trí hai dãy ghế dành riêng cho phụ nữ mang thai, người khuyết tật. Tại hai đầu của toa xe có động lực sẽ bố trí khu vực dành cho xe lăn” - ông Thành nói.
Theo hợp đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam sẽ mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc, mỗi đoàn tàu bốn toa phục vụ vận chuyển hành khách đô thị trục Cát Linh - Hà Đông, với số tiền 63,2 triệu USD.