Nhằm thuyết phục những người dân còn hoài nghi về nguồn gốc “hoàng tộc” Thanh triều của mình, người phụ nữ này đã sử dụng nhiều gói đô la và thỏi vàng giả làm “tín vật”. Có thời điểm, cô đã thanh toán cho các nhà đầu tư đến 500.000 đô la … tiền giả.
Theo lời cảnh sát, những nạn nhân tội nghiệp trong vụ lừa đảo này hầu hết là những người ít học ở độ tuổi từ 60 đến 80. Nghĩ rằng đây là công việc “cao quý” và sẽ giúp làm giàu trong tương lai, họ đã vay mượn tiền của người thân để “cống nạp” vào quỹ của “công chúa nhà Thanh”.
Lợi dụng quyền lực trong tay và lòng tốt của người dân , “công chúa” đã kêu gọi sự giúp đỡ của các nạn nhân trong việc khai quật kho báu của dòng họ. Vị “hoàng tộc” này khẳng định, kho báu được cất giấu trong tám kho chứa tại hai tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên, ước tính tổng giá trị khối tài sản lên đến 175 tỷ nhân dân tệ tương đương 29 tỷ đô la Mỹ.
Người phụ nữ này còn hứa sẽ phân phát sự giàu có của mình với những người đã “cưu mang” cô trong giai đoạn đầu tiên hành trình tìm kho báu. Cô còn cam kết trở về đầu tư cho họ với số tiền “gấp 4 lần những gì họ đã bỏ ra”.
Triều đại nhà Thanh tại Trung Hoa bị lật đổ vào năm 1912 trong cuộc Cách mạng Tân Hợi (Ảnh: Reuters)
Chỉ trong vòng 6 tháng, bằng giọng điệu ngon ngọt và sử dụng danh phận cao quý, “công chúa” đã chiêu mộ một số lượng đông đảo người tin tưởng, từ đó thu về gần một triệu đô la.
Tuy nhiên, kế hoạch lừa đảo tưởng chừng hoàn hảo của “công chúa” bị vỡ lở bởi những kẻ còn tham hơn cả cô. Do mệt mỏi với việc phải chờ đợi số tiền bỏ ra được thu hồi và sinh lời, một trong số các “nhà đầu tư” đã cả gan bắt cóc “công chúa” làm con tin. Mặc dù may mắn được cảnh sát giải cứu, nhưng “công chúa” cũng không thể thoát khỏi vòng lao lý vì những nghi ngờ gian lận tài chính.
Không may là vào thời điểm vụ lừa đảo bị phanh phui, phần lớn số tiền “quyên góp” đã bị công chúa và các cộng sự chi trả vào các hoạt động với mục đích làm tăng lòng tin của các nhà đầu tư. Các nạn nhân chỉ được nhận lại một phần nhỏ những gì mình đã bỏ ra.