Gần đây trong ngành y tế xuất hiện một số sự việc, nhìn bên ngoài có vẻ không liên quan nhưng lại cùng liên quan đến cơ chế mua sắm thuốc, sinh phẩm và vật tư y tế chưa được hoàn thiện.
|
Một trong hai bệnh nhân bị ngộ độc botulinum đang được điều trị tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC |
Thiếu vaccine vì bị chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên
Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất phải mua sắm thuốc, sinh phẩm, vì vậy Việt Nam không thể chỉ học tập từ kinh nghiệm trong nước mà còn có thể hoàn thiện cơ chế mua sắm từ những “lỗi lầm” của các quốc gia khác.
Tổ chức Y tế Thế giới đã tổng kết những bài học từ việc mua sắm của nhiều quốc gia để đưa ra các nguyên lý của mua sắm thuốc tốt (Good pharmaceutical procurement principles). Những nguyên lý này không hề mới đối với các lãnh đạo đơn vị trong ngành y tế.
Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia năm 2017. Tuy nhiên, sự quyết liệt của Bộ Y tế chưa được thể hiện đầy đủ trong thực tiễn, có thể do e ngại vướng mắc các quy định khi thực thi. Sự e dè này tạo ra nhiều sự việc ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe và theo tôi, những sự việc này đều có thể tránh được nếu có sự chủ động của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.
Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc hoàn toàn có thể thay mặt các tỉnh, thành đấu thầu vaccine hoặc thay mặt các tỉnh, thành đàm phán giá, ký thỏa thuận khung, xác định giá thống nhất để các địa phương ký hợp đồng mua sắm theo giá thống nhất này.
Việc thiếu hụt vaccine DPT-VgB-Hib (vaccine 5 trong 1), chậm trễ cho trẻ bổ sung uống vitamin A trong thời gian gần đây là một sự việc như vậy. Trước đây, việc mua sắm vaccine là công việc của Bộ Y tế nhưng vào cuối tháng 4 năm nay, Bộ Y tế đề nghị các sở Y tế tổ chức mua sắm, không để thiếu vaccine vì Bộ Y tế không thể tổ chức đấu thầu tập trung hay đàm phán giá do Chương trình mục tiêu y tế - dân số đã chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên từ năm 2023. Điều này vừa không hợp lý về mặt thực tiễn và tính khả khi, vừa không có cơ sở về quy định.
Về thực tiễn, việc phân cấp đấu thầu mua sắm vaccine làm cho việc dự trù vaccine sát với thực tế khó khăn (có tỉnh thừa, có tỉnh thiếu); 63 tỉnh, thành cùng tham gia đánh giá hồ sơ thầu cho tỉnh của mình khiến việc đấu thầu kéo dài, tốn thời gian. Vì việc đấu thầu xảy ra cùng một thời điểm và cùng chủng loại vaccine, nếu giá trúng thầu vaccine ở 63 tỉnh, thành giống nhau thì việc đấu thầu có thể bị nghi ngờ là thông thầu; nhưng nếu giá trúng thầu khác nhau thì tỉnh có giá trúng thầu cao hơn có thể bị nghi ngờ là tiêu cực.
Về mặt quy định, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc hoàn toàn có thể thay mặt các tỉnh, thành đấu thầu vaccine hoặc thay mặt các tỉnh, thành đàm phán giá, ký thỏa thuận khung, xác định giá thống nhất để các địa phương ký hợp đồng mua sắm theo giá thống nhất này.
Hiện nay chưa có quy định nào Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc đấu thầu hay đàm phán giá với các đơn vị trực thuộc, bởi trước đây Bộ Y tế đã đấu thầu mua sắm vaccine với chính các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Còn nếu Bộ Y tế có e dè thì xin trình Chính phủ phê duyệt giá mua vaccine tương tự như Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt giá mua điện. Điều này có thể tốn công sức của Bộ Y tế nhưng chắc chắn sẽ nhanh chóng hơn và ít vướng mắc về thủ tục hơn là để các địa phương thực hiện đấu thầu mua sắm vaccine.
Có thể có một số e ngại là nếu dự trữ thuốc cho bệnh hiếm thì sẽ xảy ra trường hợp không sử dụng thuốc, gây lãng phí. Tuy nhiên, nguy cơ lãng phí có thể xảy ra nhưng xác suất rất thấp. Việc mua sắm này nên được thực hiện bởi đơn vị mua sắm thuốc tập trung không chỉ vì từng bệnh viện không có tiền mua mà còn vì ở một bệnh viện, lượng thuốc mua sắm của một mặt hàng nào đó thấp sẽ không thu hút được sự quan tâm của nhà thầu.
Ở bình diện quốc gia, khối lượng mua sắm sẽ cao hơn và không chỉ dù khối lượng này không đủ lớn thì các nhà thầu cũng sẽ quan tâm hơn vì họ phải đảm bảo yêu cầu cho một đơn đặt hàng bao gồm nhiều loại thuốc với khối lượng lớn.
Không áp dụng hướng dẫn phân tích VEN vào thực tiễn
Vấn đề thiếu vitamin A cho chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao còn có nhiều khía cạnh phải quan tâm hơn. Thiếu vitamin A không chỉ trách nhiệm mua vitamin A trước đây thuộc về Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, mà còn do hiện nay không có cơ sở sản xuất hay nhập khẩu vitamin A liều cao (hàm lượng 100.000 IU và 200.000 IU). Thiếu vitamin A cho chiến dịch bổ sung vitamin A trong thời gian ngắn có lẽ không gây ảnh hưởng đến đa số trẻ em nếu các trẻ này được ăn uống đầy đủ và đa dạng.
Tuy nhiên, sự thiếu hụt này lẽ ra không nên có nếu theo đúng phân tích VEN (phương pháp phân tích theo Thông tư 21/2013/TT-BYT) để xác định ưu tiên cho hoạt động mua sắm và tồn trữ thuốc. Thuốc vitamin A liều cao là loại thuốc thiết yếu nên cần được ưu tiên mua sắm và phải có lượng dự trữ an toàn. Vì vậy, việc thiếu hụt một loại thuốc thiết yếu khiến mọi người có thể e ngại các sự kiện tương tự có thể xảy ra với các thuốc thiết yếu khác.
Việc thiếu hụt thuốc hiếm để điều trị các bệnh hiểm nghèo hoặc thiếu các loại thuốc có lượng sử dụng thấp (như Pilocarpin dùng để co đồng tử) lại đặt ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ hơn.
Huyết thanh kháng độc tố botulinum để điều trị bệnh ngộ độc botulinum, huyết thanh kháng nọc rắn để điều trị cho bệnh nhân bị rắn độc cắn là một trong những thuốc sống còn bởi vì đó là loại thuốc có thể quyết định sự sống chết của bệnh nhân. Ngoài ra, các thuốc này tuy đắt tiền nhưng là loại thuốc làm giảm chi phí điều trị tổng thể. Sự thiếu hụt kháng độc tố botulinum và kháng độc tố nọc rắn là chỉ điểm của không áp dụng hướng dẫn phân tích VEN vào thực tiễn.
Tóm lại, việc ứng dụng các nguyên lý đã biết vào thực tiễn mua sắm thuốc và vaccine để mua được thuốc thiết yếu cho điều trị bệnh với số lượng phù hợp, đảm bảo cung ứng thuốc đạt chất lượng và kịp thời với nhu cầu điều trị với chi phí thấp nhất là quan trọng.
Để làm được điều này, trước tiên cần sự quản lý việc mua sắm một cách minh bạch và có hiệu quả, trong đó Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia là đơn vị then chốt để thực hiện điều này. Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc sẽ tập trung vào việc lên kế hoạch mua sắm, giám sát chất lượng thực hiện các gói thầu và được kiểm toán độc lập mỗi năm. Các thuốc cần được mua nên được xây dựng từ hội đồng thuốc quốc gia, số lượng thuốc do các đơn vị y tế đặt hàng, xây dựng tiêu chí chọn lựa thuốc nên từ các ủy ban chuyên môn.
Sự phân công trách nhiệm cho nhiều đơn vị khác nhau sẽ giúp việc mua sắm chuyên nghiệp và minh bạch hơn.•
|
Đại biểu Quốc hội LÒ THỊ LUYẾN (ảnh, Điện Biên):
Đề nghị tiếp tục giao Bộ Y tế mua, cung ứng vaccine cho các địa phương
Giai đoạn từ năm 2020 trở về trước, kinh phí mua vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng được bố trí từ ngân sách trung ương cho Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đến năm 2020, hiện nay chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên.
Ngày 3-4-2023, Bộ Y tế ban hành Văn bản số 1810/BYT-KH-TC, theo đó từ năm 2023, các địa phương sẽ bố trí ngân sách và tự triển khai đấu thầu, mua sắm, cung ứng vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
Nhận được văn bản này, hầu hết địa phương ngay lập tức có ý kiến phản hồi Bộ Y tế và Chính phủ những vướng mắc về cơ sở pháp lý, ví dụ: Vaccine thuộc danh mục đấu thầu cấp quốc gia, kinh phí bồi thường cho người bị thiệt hại khi tham gia tiêm chủng...
Bên cạnh đó, những khó khăn từ thực tiễn như: Sẽ có nhiều loại vaccine khác nhau giữa các địa phương, người dân khó tiếp cận kịp thời cùng một loại vaccine đối với những loại vaccine phải tiêm mũi nhắc lại khi họ có thay đổi về địa điểm cư trú; tình trạng thừa, thiếu vaccine cục bộ, Bộ Y tế khó đảm bảo việc cân đối và điều phối nguồn cung ứng vaccine khi dịch xảy ra cục bộ hoặc xảy ra diện rộng; các địa phương không có kho lạnh đúng quy chuẩn để bảo quản vaccine (vì chưa được đầu tư) mà chỉ có dây chuyền bảo quản lạnh tạm thời khi mang vaccine từ kho của trung ương về để thực hiện kế hoạch tiêm chủng trên địa bàn, hoặc nếu xảy ra sự cố mất điện không khắc phục được nhanh thì chất lượng của vaccine sẽ bị ảnh hưởng… Vậy các địa phương cần được bố trí vốn để đầu tư hệ thống kho lạnh, máy nổ công suất lớn để khắc phục sự cố mất điện, trong khi hệ thống kho lạnh đúng quy chuẩn để bảo quản vaccine đã được đầu tư ở các đơn vị thuộc tuyến trung ương sẽ không được sử dụng. Đây là sự lãng phí rất lớn về tiền của đã và sẽ phải bỏ ra.
Để đảm bảo tính ổn định, lâu dài và hiệu quả, đề nghị Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương và giao Bộ Y tế mua, cung ứng vaccine cho các địa phương như trước đây và bổ sung nội dung này vào dự thảo nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng trong tổ chức thực hiện.