Hoàn thiện quy định để ngăn kịp thời hành vi rửa tiền

(PLO)- Hoàn thiện quy định ngăn chặn tội phạm rửa tiền là yếu tố then chốt trong phòng chống tham nhũng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 31-8, Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) (viết tắt Luật PCRT).

Đề nghị đưa mua xe sang, vé số độc đắc vào nhóm rửa tiền

Về cơ bản, dự thảo Luật PCRT (sửa đổi) kế thừa các quy định tại Luật PCRT 2012. Tại hội thảo, các đại biểu bày tỏ đồng ý với việc sửa đổi Luật PCRT hiện hành. Bởi việc hoàn thiện quy định pháp luật về PCRT là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy công tác PCRT nói riêng và phòng chống tham nhũng nói chung.

Bà Lê Thị Đông, đại diện VKSND TP.HCM (trái) và ông Nguyễn Văn Chung, đến từ Trường ĐH An ninh nhân dân (phải), phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN

Bà Lê Thị Đông, đại diện VKSND TP.HCM (trái) và ông Nguyễn Văn Chung, đến từ Trường ĐH An ninh nhân dân (phải), phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng việc rửa tiền có thể được thực hiện thông qua các hình thức như đánh bạc, mua các tài sản có giá trị cao như đá quý, bất động sản... Một số tài sản cần được xem xét như xe hơi hạng sang, đồ cổ, mua lại vé số độc đắc… để bổ sung vào nhóm đối tượng, tài sản trong hoạt động rửa tiền.

Ông Nguyễn Văn Chung, đại diện Trường ĐH An ninh nhân dân, đề nghị cần bổ sung các quy định về PCRT đối với những loại tài sản có tính đặc thù như tiền điện tử, tài sản ảo.

Cần xem xét những tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thương mại điện tử quốc tế. Theo ông Chung, thời gian qua việc giao dịch qua hệ thống thương mại điện tử quốc tế rất lớn và có xu hướng tăng nhanh. Các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có thể thông qua dịch vụ này để thực hiện hành vi rửa tiền bằng cách mua hàng hóa, thanh toán qua hệ thống này.

Xe hơi hạng sang, đồ cổ, mua lại vé số độc đắc… cần được xem xét để bổ sung vào nhóm đối tượng, tài sản trong hoạt động rửa tiền.

Bổ sung quy định để ngăn ngừa tẩu tán

Tại hội thảo, các đại biểu góp ý cần sửa đổi, làm rõ khái niệm “hành vi rửa tiền” và “hành vi trợ giúp rửa tiền”; bổ sung các hình thức rửa tiền và một số nội dung khác trong dự thảo luật nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực áp dụng luật trong thực tiễn.

Nhiều ý kiến cho rằng Luật PCRT (sửa đổi) cần phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các luật khác và hệ thống luật hiện hành. Cụ thể, luật sư Trương Thị Hòa, Hội Luật gia TP.HCM, đề nghị bổ sung các điểm như: Làm rõ pháp nhân (bao gồm pháp nhân thương mại, pháp nhân phi thương mại) để phù hợp với Điều 74, 75, 76 của Bộ luật Dân sự 2015. Cùng với đó là việc bổ sung quy định trong hợp tác quốc tế về dẫn độ theo công ước quốc tế. Đặc biệt là bổ sung một số cơ quan, tổ chức có điều kiện phát hiện tội phạm rửa tiền để phòng chống.

Phó Chánh án TAND TP.HCM Phùng Văn Hải đề nghị bổ sung khái niệm “rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp thức hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có theo quy định pháp luật hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành”, nhằm đảm bảo thống nhất với Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong khi đó, bà Lê Thị Đông, đại diện VKSND TP.HCM, cho biết từ khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, đơn vị đã phê chuẩn ba quyết định khởi tố bị can về tội rửa tiền trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty CP Địa ốc Alibaba. Các bị can này mở tài khoản tiết kiệm cá nhân ở ngân hàng, nguồn gốc tiền là Công ty Alibaba thu được từ việc bán đất nền dự án ảo cho khách.

Khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, báo chí đăng tin, các đối tượng liền đến ngân hàng rút tiền. Ngân hàng cho rút 13 tỉ đồng và các đối tượng đem số tiền này tẩu tán hết. Từ đó, bà Đông đặt vấn đề phải chăng hoạt động nhận biết khách hàng và cập nhật thông tin khách hàng của ngân hàng chưa thật hiệu quả. Cần xem xét bổ sung quy định cụ thể vào dự thảo luật về thời gian cập nhật thông tin nhận biết khách hàng.•

Cơ quan quản lý nhà nước không đứng ngoài cuộc

Theo luật sư Trương Thị Hòa, trong PCRT, các sở TN&MT cũng phải là cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Vì dưới sở này là các Văn phòng Đăng ký đất đai, Trung tâm đo đạc… Đây là những tổ chức có điều kiện để phát hiện PCRT hoặc trong nhiều trường hợp, đây lại là nơi “phát tích, núp bóng” của những dự án ảo, như trong trường hợp của Alibaba. Từ đó luật sư Hòa đề nghị cần bổ sung Bộ TN&MT vào dự thảo luật này, vì Bộ TN&MT là cơ quan được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý đất đai, tài nguyên đặc biệt.

Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, đánh giá: Dự án Luật PCRT (sửa đổi) hướng tới đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa các điều ước quốc tế, các chuẩn mực quốc tế về PCRT nhằm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực PCRT, đặc biệt trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về rửa tiền và các tội phạm liên quan.

Bà Ung Thị Xuân Hương cho rằng công tác PCRT liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành cũng như các cơ quan liên quan. Do đó, cần hoàn thiện hơn các quy định này để bảo đảm tính khả thi cũng như cân đối về nguồn lực của cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan.

Đồng tình ở điểm này, ông Trần Ngọc Đức, đến từ Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, cho rằng cần quy định rõ nội dung quản lý nhà nước về PCRT. Từ đó có cơ sở phân vai, phân nhiệm cho bộ, ngành tham gia vào PCRT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm