Cần có 'cơ chế nóng' để ngăn kịp thời hành vi rửa tiền

(PLO)- “Mình có thể ngủ nhưng tội phạm thì không ngủ”- Đại diện Trường ĐH An ninh nhân dân TP.HCM nói.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 31-8, Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Các đại biểu tham dự tại hội thảo đều cho rằng, mục đích của việc sửa đổi luật phải đạt được hai mục đích: Khắc phục những điều mà luật cũ chưa đạt được và phải phù hợp với hội nhập quốc tế.

Hội thảo góp ý cho dự án Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) sáng 31-8. Ảnh: THANH TUYỀN

Hội thảo góp ý cho dự án Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) sáng 31-8. Ảnh: THANH TUYỀN

Hiệu quả chưa cao

Góp ý tại hội thảo, bà Lê Thị Đông, đại diện VKSND TP.HCM đánh giá hiệu quả của Luật này mang lại chưa cao.

Bà Đông nói, kể từ khi bộ Luật Hình sự có hiệu lực từ 1-1-2018, VKSND TP.HCM đã phê chuẩn 3 quyết định khởi tố bị can về tội rửa tiền trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba.

Theo đó, ba người bị khởi tố trong vụ án giữ các chức vụ tại công ty này là Giám đốc tài chính, kế toán trưởng, trợ lý Chủ tịch hội đồng quản trị. Những người này mở tài khoản tiết kiệm dưới danh nghĩa cá nhân tại ngân hàng, nhưng nguồn gốc của các khoản tiền này là Công ty Alibaba thu từ việc bán đất nền các dự án không có thật cho khách hàng.

Khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, dù báo chí đưa tin rộng rãi nhưng các đối tượng đến ngân hàng rút 13 tỉ đồng tiền mặt, với danh nghĩa cá nhân vẫn được ngân hàng cho rút. Theo đại diện VKS, khoản tiền này đã được tẩu tán hết.

Cần có 'cơ chế nóng' để ngăn kịp thời hành vi rửa tiền ảnh 2

Đại diện VKSND TP.HCM góp ý tại hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN

“Phải chăng hoạt động nhận biết khách hàng và cập nhật thông tin khách hàng chưa thực sự hiệu quả nên các đối tượng vẫn rút được tiền và tẩu tán khiến cơ quan điều tra không thu hồi được. Chưa kể, đây là vụ án lớn, với hơn 4.000 bị hại trên khắp cả nước”- phía VKS đặt vấn đề.

Đại diện VKS cũng nêu quy định nhiều yêu cầu về đối tượng báo cáo phải cập nhật thông tin nhận biết khách hàng như về hoạt động kinh doanh, nguồn gốc tài sản… được quy định tại điều 11 của dự thảo.

Dẫn thực tế từ trường hợp Công ty Alibaba, phía VKS nói, tiền có nguồn gốc từ hành vi phạm tội dưới danh nghĩa pháp nhân nhưng được gửi tiết kiệm bằng tên cá nhân thì kiểm soát bằng cách nào?. Đặc biệt, đối tượng trong vụ án này có tuổi đời rất trẻ, trước đó có nhiều giao dịch trong thời gian dài, số tiền giao dịch mỗi lần rất lớn.

Từ đó, VKS đề nghị xem xét, bổ sung quy định cụ thể về thời gian cập nhật thông tin nhận biết khách hàng, các giao dịch đáng ngờ cần được tra soát cập nhật thông tin định kì từ 6 tháng đến 1 năm, chi tiết do ngân hàng nhà nước quy định.

Ngăn rửa tiền từ các hoạt động thương mại

Ông Nguyễn Văn Chung, ĐH An ninh nhân dân TP thì góp ý, nên có một điều luật quy định về cơ quan chuyên trách phòng, chống rửa tiền làm cơ sở pháp lý để tiến tới hình thành cơ quan chuyên trách thống nhất với thẩm quyền phù hợp, kể cả thẩm quyền điều tra.

Ông Nguyễn Văn Chung, ĐH An ninh nhân dân cho rằng cần có cơ chế nóng để trao đổi thông tin. Ảnh: THANH TUYỀN

Ông Nguyễn Văn Chung, ĐH An ninh nhân dân cho rằng cần có cơ chế nóng để trao đổi thông tin. Ảnh: THANH TUYỀN

Theo ông Chung, cách phân chia nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền theo kiểu “dàn hàng ngang” ở tất cả các bộ, ngành, địa phương mà thiếu cơ quan chuyên trách có chuyên môn sâu, đủ thẩm quyền có thể sẽ không đáp ứng được nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền; nhất là khi Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế.

Ông Chung cũng đề nghị bổ sung các quy định về phòng, chống rửa tiền đối với những loại tài sản có tính đặc thù như tiền điện tử, tài sản ảo.

Cùng đó, cần xem xét những tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thương mại điện tử quốc tế.

Theo ông, trong thời gian qua việc giao dịch qua hệ thống thương mại điện tử quốc tế rất lớn, xu hướng tăng nhanh; các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có thể thông qua dịch vụ này để thực hiện hành vi rửa tiền bằng cách mua hàng hóa, thanh toán qua hệ thống này.

“Các tổ chức tội phạm ở nước ngoài có thể lợi dụng hệ thống thương mại quốc tế để vận chuyển tiền thu được từ các hành vi phạm tội vào Việt Nam, thực hiện rửa tiền liên quan đến trao đổi thương mại”- ông Chung nói và cho rằng theo cách này, tiền bẩn sẽ được chuyển vào Việt Nam dưới hình thức thanh toán hàng hóa.

Đại diện trường ĐH An ninh nhân dân nêu ý kiến, cần sửa đổi, bổ sung chặt chẽ các quy định về nghĩa vụ báo cáo giao dịch đáng ngờ và trách nhiệm trong bảo đảm bí mật việc cung cấp thông tin liên quan giao dịch đáng ngờ của các tổ chức tín dụng với các cơ quan điều tra phòng, chống tội phạm rửa tiền.

Đặc biệt là các ngân hàng, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài hầu như chưa hợp tác với các cơ quan điều tra trong rà soát tài sản theo yêu cầu.

Cần có "cơ chế nóng" để trao đổi thông tin

Ông Nguyễn Văn Chung, Đại học An ninh nhân dân TP góp ý thêm, điều 35 của dự thảo quy định thời gian cung cấp thông tin trong vòng 10 ngày làm việc là quá dài, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, xử lý.

Thực tế, đã có trường hợp chuyển giao thông tin cho cơ quan điều tra bị chậm trễ, ảnh hưởng đến hiệu quả xác minh, xử lý của cơ quan công an.

“10 ngày là quá dài để trao đổi thông tin kể từ khi phát hiện có dấu hiệu ban đầu về hoạt động rửa tiền. Mình có thể ngủ nhưng tội phạm thì không ngủ”- ông Chung nhấn mạnh và cho rằng cần phải có cơ chế nóng để trao đổi thông tin nhanh nhất.

Ông đưa ra gợi ý thiết lập đường dây nóng trao đổi thông tin, phối hợp điều tra giữa Cục phòng, chống rửa tiền và Ngân hàng nhà nước, các cơ quan khác như Tổng cục Hải quan, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính, Bộ Công an, VKSND tối cao để giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh từ thực tiễn.

Cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm bảo đảm bí mật việc cung cấp thông tin liên quan đến nghi vấn tội phạm rửa tiền của các cơ quan hữu quan cho cơ quan điều tra.

Ngân hàng cần 5-6 ngày để thu thập dữ liệu

Tại hội thảo này, đại diện pháp lý phía Ngân hàng ACB cho biết, các ngân hàng là đơn vị chịu áp lực nhiều nhất trong việc phòng, chống rửa tiền.

Hiện nay, ngân hàng chưa có cơ chế xác định chủ sở hữu hưởng lợi, không có cơ chế để phía ngân hàng kết nối được với hệ thống, Sở KH-ĐT, Bộ KH-ĐT để xác minh thông tin.

Về quy định thời gian báo cáo kể từ khi phát hiện dấu hiệu đáng ngờ về hoạt động rút tiền là hai ngày, phía ngân hàng cho rằng rất khó để tuân thủ.

Đại diện Ngân hàng ACB nói, dù ngân hàng có hệ thống đưa ra những dấu hiệu về hoạt động rửa tiền dựa trên quy định của Luật. Khi nhận thấy có dấu hiệu, cần nhiều thời gian thu thập thông tin.

Phía Ngân hàng ACB đề xuất cần kéo dài trong 5-6 ngày để thực hiện việc này. Cạnh đó, phía ngân hàng cũng mong có sự chia sẻ thông tin để nhận biết, xác minh thông tin khách hàng; đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ KH-ĐT, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an trong việc chia sẻ cơ chế để kết nối, xác minh thông tin nhận biết của khách hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm