Đại diện Cục Thuế lúng túng không trả lời được và cũng rất thật tình trả lời là “không trả lời được”.
Bản thân tôi rất thông cảm với câu trả lời này. Cục Thuế cần được Bộ Tài chính rót quỹ hoàn thuế thì mới có thể hoàn thuế. Và có lẽ sau rất nhiều lần trả lời “công cộng” về việc không được rót quỹ hoàn thuế, bị Bộ Tài chính “chấn chỉnh” khẳng định không thiếu tiền hoàn thuế thì cơ quan này vào tình thế “không trả lời được. Muốn hỏi thì xin gặp riêng để chúng tôi trả lời”.
Tuy nhiên, không ai có thể chấp nhận câu trả lời “không trả lời được”. Quy định đã có đủ, giải quyết hồ sơ hoàn thuế trong bảy ngày đến 40 ngày, chính Cục Thuế đã trả lời một doanh nghiệp ngay trong đối thoại sáng qua. Nhưng doanh nghiệp đều biết cơ quan thuế luôn kéo dài và dài hơn gấp nhiều lần thời gian này mới cho ra quyết định hoàn thuế. Sau khi có quyết định hoàn thuế thì... chờ thêm nữa. Cái sự chờ này mới “không trả lời được” vì không có quy định thời hạn!
Trong những ngày qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã đưa ra một số giải pháp về quy trình, thủ tục để giải quyết vấn đề hoàn thuế chậm. Tuy nhiên, hầu hết những giải pháp này liên quan đến giai đoạn xét hồ sơ để ra quyết định hoàn thuế chứ không nằm trong giai đoạn chờ rót tiền.
Vấn đề chính cần tháo gỡ trong hoàn thuế là vấn đề quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng. Bộ Tài chính cần chỉ ra bất hợp lý của cách lập quỹ, chi quỹ hiện nay, biện pháp nào cân đối quỹ để không bị thiếu hụt, không bị mất cân đối giữa các địa phương.
Cho nên có chê, có trách, có bức xúc với cơ quan thuế địa phương thì cũng không thể giải quyết tận gốc vấn đề.
Các đề xuất như cho thế chấp quyết định hoàn thuế, cấn trừ thuế âm (chờ hoàn thuế) với thuế phát sinh khác... không phải là giải pháp gốc rễ. Thậm chí có thể khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều rắc rối hơn với các cành, nhánh um tùm.
Trách nhiệm của Bộ Tài chính là đưa ra giải pháp để giải quyết tận gốc vấn đề hoàn thuế. Doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ càng khiến ngân sách khó khăn hơn. Bài toán hậu quả từ hoàn thuế chậm sẽ càng khó giải quyết hơn nữa.