Chiều 19-11, mười học viên của khóa cai nghiện game online do Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam tổ chức đã có buổi tổng kết đầy xúc động sau hai tuần các em tham gia hoạt động ngoại khóa, thăm các trại dưỡng lão, trung tâm trẻ em mồ côi trên địa bàn TP.HCM.
“Tui mất con lâu rồi”
Theo ông Nguyễn Thành Nhân - Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, sau gần một năm gián đoạn vì việc tổ chức lớp quá vất vả và bù lỗ kinh phí quá nhiều, lần này ban giám đốc trung tâm phối hợp với Công ty Đào tạo tài năng trẻ Châu Á Thái Bình Dương (ATY) quyết định mở lại lớp cai nghiện game lần thứ tư, từ ngày 6 đến ngày 19-11 tại trung tâm.
Ông Nhân nhận xét: Phụ huynh có con cai nghiện lần này có vẻ hoang mang hơn mọi lần vì họ đã “mất con” quá lâu rồi, giờ đây họ hy vọng lớp học sẽ là phao cứu sinh dành cho họ, cứu lấy con họ. Có người đến từ Hà Nội, Dăk Lăk, Đồng Nai, Bình Thuận, Cà Mau… Có người giàu có không có thời gian chăm sóc và quản lý con, dẫn đến con nghiện game quá nặng. Có người vì nghèo quá, khi con đi học xa, không thể nào xuống để biết con mình làm gì, học hành ra sao. “Trước khi khai giảng lớp học, một bác nông dân xuống Sài Gòn tìm con, đến cơ quan nhờ tư vấn. Sau khi được tư vấn, tôi quyết định giảm 30% học phí cho con ông và tạo điều kiện để ông ngủ nghỉ tại trung tâm không lấy tiền. Vừa bước vào phòng nghỉ, ông đã thối lui, đề nghị nghỉ phòng nào “tồi tồi” một chút để ít tiền… Làm cha, làm mẹ hy sinh cả đời để kiếm tiền cho con ăn học, vậy mà hằng ngày, hằng giờ con ông lại tiêu không biết bao nhiêu tiền vào thế giới ảo. Tôi đã mang câu chuyện này vào bài giảng của lớp học để đánh động lương tâm học viên” - ông Nhân kể.
Mẹ em PQM ôm con khóc nức nở khi thấy con đã thay đổi, lớn lên sau khi tham gia lớp cai nghiện game. Ảnh: PHÚ TRẦN
“14 ngày, chương trình đã huy động gần 20 người để lo cho 10 học viên - một lượng lao động rất lớn nhưng cái được là đem những con người này trở thành con người thực, trở về với gia đình với đầy đủ tâm hồn và thể lực. Nhưng sau chương trình, những gia đình không có điều kiện quản lý, tạo sân chơi cũng sẽ là điều khó khăn đối với chúng tôi. Hy vọng phụ huynh sẽ cùng chúng tôi quyết tâm không để các em bị game bạo lực mê hoặc” - ông Nguyễn Hoàng Minh Tân, Giám đốc đào tạo của trung tâm, nói.
Và con tui đã trở về…
Có mặt trong khán phòng, mẹ M. không nén được nước mắt khi cán bộ đọc thư con trai mình viết: “Từ khi con được đến đây, có rất nhiều bạn bè, đặc biệt là có các anh điều phối viên vui tính, làm con vui. Có lẽ đây là lần con cười nhiều nhất sau khoảng thời gian nhốt mình trong phòng với cái máy tính, không ra ngoài để thư giãn và quan tâm đến gia đình… Nhờ ở đây, thầy và các anh điều phối viên đã giúp con hiểu về mẹ hơn và cả những người bạn xung quanh mình. Đặc biệt là con hiểu được tình yêu mà mẹ dành cho con!”. Nghe xong, chị khóc nấc, chạy xuống ôm con trai: “Con đã trở về với mong muốn của mẹ. Mẹ thương con lắm!”.
Hay như tâm sự của S. cũng khiến ba S. cay mắt: “Trước đây con chỉ mãi đam mê và lạc vào thế giới của riêng mình, mất đi bạn bè và lòng tin của gia đình. Nghĩ lại, con tự thấy mình sao thật ngu ngốc, đánh đổi tương lai và hạnh phúc chạy theo một thứ không có thật để rồi cuối cùng lại chán nản, thất vọng… Ba ơi, con cảm thấy rất có lỗi. Con sẽ cố không làm ba thất vọng nữa”.
Buổi tổng kết, nhiều phụ huynh thấy con mình thay đổi, có tiến bộ và hứa không chơi game nữa đã rất vui mừng, xúc động khi nghe những tâm sự thật của con mình bấy lâu nay. Em Đ. tâm sự: “Con nghiện game online vì tối ngày ba mẹ cứ la rầy con suốt, gặp mặt là mắng chửi, thậm chí đánh đập. Con chỉ còn cách lên mạng chơi game để quên những lời chửi rủa của mẹ, những trận đòn của ba”… Và những phụ huynh bấy lâu nay cũng ít quan tâm đến tâm lý con mình có dịp lắng nghe để hiểu và gần con hơn, hướng con mình đến những hoạt động có ích hơn cho bản thân.
Ngày thứ bảy, chúng tôi đi thăm Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè. Mỗi cụ một cảnh ngộ khác nhau nhưng đều rất đáng thương. Có nhiều cụ khóc khi nói chuyện với chúng tôi, giọt nước mắt buồn vui lẫn lộn của những người cô đơn lâu lắm rồi mới có những người khách nhỏ đến thăm. Chúng tôi tiếp tục bước vào cuộc trải nghiệm mới: Đóng vai người già. Người già thường mắt mờ, bị lãng tai, di chuyển khó khăn. Và thế là chúng tôi phải bịt mắt, nhét bông gòn thật nhiều vào tai, rồi đeo bao cát để làm tất cả hoạt động. Phải nói rằng có trải nghiệm thì mới hiểu cuộc sống là như thế nào. Chưa bao giờ chúng tôi nghĩ cho ông bà, cho bố mẹ rằng sẽ gặp những khó khăn như vậy trong cuộc sống. Công việc từ trước giờ chúng tôi làm chỉ là sự trách móc và vòi vĩnh, đôi lúc lại chê bai. Từ trước giờ, những gì bố mẹ làm cho con, bố mẹ chỉ tính không đồng. Nhưng con làm cho bố mẹ, những việc chỉ đơn giản là giặt đồ, rửa chén, quét nhà, ấy vậy mà con lại hay vòi tiền, định giá cho những công việc mình làm. Nghĩ mình thật bất hiếu. Nếu chỉ còn một ngày để sống, chúng tôi sẽ làm gì cho gia đình mình? Và chúng tôi sẽ làm gì khi bố mẹ về già? Chúng tôi sẽ là người như thế nào khi 70 tuổi? Và chúng tôi bắt đầu viết, viết hết tất cả những gì mình nghĩ với những điều cảm nhận sâu sắc sau một ngày trải nghiệm đáng nhớ. (Trích Nhật ký lớp học của nhóm học viên Giang, Lộc, Trúc, Hải, Đức) |
ĐẶNG NGUYỄN