Những ngày gần đây, liên quan đến thông tin nhiều trường học ở TP.HCM cấm học sinh sử dụng điện thoại, trên các trang Confessions của các trường THPT tại TP.HCM, các bạn học sinh đang bàn luận rất sôi nổi.
Đơn cử, tại trang Confessions của một trường THPT có đăng tải nội dung: “Em cũng mong trường xem xét việc hạn chế điện thoại giống trường NTT để các bạn có thể tập trung hơn để tiết học hiệu quả hơn”; "Em mong trường nên hạn chế mọi người sử dụng điện thoại, để các bạn có thời gian tương tác với nhau nhiều hơn",...
Hai mặt vấn đề trong việc học sinh dùng điện thoại
Từ nội dung trên nhiều bạn học sinh tỏ ra ủng hộ về việc hạn chế dùng điện thoại trong nhà trường: "Ý kiến đóng góp rất hữu ích"; "Em ủng hộ, việc cấm điện thoại giúp tập trung hơn vào học tập và giảm thiểu các yếu tố phân tâm"; "Việc hạn chế dùng điện thoại, tôi thấy cũng rất tốt điều này giúp học sinh chúng mình có thời gian vận động, trò chuyện, giao lưu, vui chơi với bạn bè hơn, từ đó mới phát triển được kỹ năng, tạo mối quan hệ bạn bè, thầy cô"; "Ủng hộ tuyệt đối việc này, để vào giờ ra chơi để tương tác với nhau nhiều hơn, tham gia nhiều hơn các hoạt động ngoài giờ",...
Bạn đọc Nguyễn Thức chia sẻ: "Công nghệ, mạng xã hội ngày càng phát triển, nhiều em học sinh ngày càng sống ảo, bạn bè không vui chơi giải trí hay tâm sự nói chuyện với nhau, ra chơi mỗi học sinh mỗi người một cái chỉ biết nhìn vào điện thoại. Các em mất tuổi học trò vì điện thoại".
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều từ các bạn học sinh và bạn đọc:
Nhiều bạn học sinh mong muốn nhà trường nên tạo điều kiện: "Do có nhiều kiến thức để nhớ, nên nhiều khi bỏ sót các bài giảng của thầy cô, việc sử dụng điện thoại để ghi âm lại bài giảng của thầy cô, để về nhà em còn nghe lại, mà giờ cấm điện thoại em biết làm sao đây?", "Thay vào việc cấm nên thay thế bằng việc hạn chế thôi, chủ yếu cũng do ý thức các bạn học sinh, cấm ở trường mà về nhà xài vẫn vậy",...
Bạn đọc ThanhThao bình luận: "Không thể phủ nhận điện thoại di động có thể gây ra nhiều sự phân tâm đến việc học của các em. Tuy nhiên, việc cấm hoàn toàn điện thoại di động tôi thấy không phải là giải pháp tối ưu. Thay vào đó, việc giáo dục học sinh về cách sử dụng điện thoại như thế nào là hiệu quả trong việc áp dụng công nghệ về học đường".
Bạn đọc Chau Tran bày tỏ quan điểm: "Cháu nội tôi học lớp 8 nên việc rước cháu là rất cần điện thoại, gia đình tôi không có người rước cố định khi thì tôi, khi thì ba, mẹ hoặc anh, chị của cháu. Do đó cần điện thoại để liên lạc với cháu, bởi vì rước cháu gần cổng khi xa cổng. Nhưng chỉ nên dừng ở lại việc hạn chế dùng điện thoại chứ không nên cấm".
Bạn đọc Song Mai chia sẻ: "Nên cấm là cấm sử dụng điện thoại smartphone, còn học sinh thì nên cho xài điện thoại không kết nối mạng được là được. Cái gì cũng có 2 mặt, không nên cấm cứng nhắc như vậy. Các em học sinh cũng như mọi người, ai cũng cần liên lạc miễn là các em không sử dụng trong giờ học là được".
Bạn đọc Thien Thien bình luận: Hiện nay, tôi thấy giáo viên cùng các học sinh cũng quay clip đăng TikTok đăng video thì ngăn cấm kiểu gì? Giáo viên phải làm gương thì mới cấm được học sinh chứ?. Cấm học sinh dùng điện thoại trong trường, theo tôi nên hạn chế xài trong giờ học thôi".
Giải pháp nào là tối ưu?
Trao đổi với PV, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Anh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM; giảng viên Trường ĐH Văn Lang, cho biết lợi ích của việc cấm học sinh sử dụng điện thoại sẽ giúp học sinh tăng cường tập trung học tập, ĐTDĐ có thể gây phân tâm lớn cho học sinh. Khi không có điện thoại, học sinh có thể tập trung hơn vào bài giảng và các hoạt động học tập.
Theo đó, việc cấm sử dụng điện thoại trong trường học có thể giảm thiểu tình trạng bắt nạt trên mạng và các hành vi tiêu cực khác liên quan đến mạng xã hội. Ngoài ra, khi không có điện thoại, học sinh sẽ có nhiều cơ hội hơn để giao tiếp trực tiếp với bạn bè và giáo viên, từ đó phát triển kỹ năng xã hội và giao tiếp.
PGS-TS Nguyễn Thị Kim Anh cho biết thêm, một số trường học đã áp dụng các biện pháp trung hòa, cho phép học sinh mang điện thoại nhưng chỉ sử dụng trong những trường hợp cần thiết hoặc khi được giáo viên cho phép. Ví dụ: Học sinh có thể nộp điện thoại cho giáo viên vào đầu giờ học và chỉ được sử dụng trong các tiết học yêu cầu.
"Việc cấm hay cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong trường học cần được xem xét kỹ lưỡng dựa trên các yếu tố như môi trường học tập, nhu cầu học sinh và khả năng quản lý của nhà trường. Một giải pháp linh hoạt, kết hợp giữa cấm và cho phép có kiểm soát, có thể là lựa chọn tối ưu để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho học sinh" - PGS-TS Kim Anh nói.