Sáng 7-1, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức cuộc thi Văn hay chữ tốt cấp TP dành cho 162 HS đại diện cho phòng GD&ĐT ở 24 quận, huyện trên địa bàn TP. Hội thi diễn ra tại bến tàu cao tốc Bạch Đằng.
Học sinh lên tàu trước khi làm bài thi.
Trước đó, HS các trường THCS đã trải qua vòng thi cấp quận, huyện do các phòng GD&ĐT tổ chức, chọn ra 6 HS xuất sắc (3 HS khối 8,9 và 3 HS khối 6,7) để tiếp tục tranh tài tại vòng thi cấp TP.
Năm nay, ngoài thí sinh đến từ các trường THCS, vòng thi cấp TP có sự tham gia của HS 3 trường THPT gồm THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Lương Thế Vinh và Trung học Thực hành, Đại học Sài Gòn.
Ngồi trên tàu, các em được giới thiệu về cảnh vật ven hai bờ sông, qua đó có những cảm nhận về TP.
Theo ban tổ chức, trải qua 21 năm, hội thị đã không ngừng nỗ lực đổi mới để tạo ra một sân chơi ý nghĩa, thiết thực cho HS yêu thích nghệ thuật viết chữ và sáng tạo văn chương.
Trước khi bước vào cuộc thi, các em được trải nghiệm một chuyến du ngoại trên sông Sài Gòn bằng tàu cao tốc. Hành trình trải nghiệm nhằm mục đích khởi lên cảm xúc, suy nghĩ của các em về TP. Thông qua việc quan sát và lắng nghe thiên nhiên, cảnh vật, con người, các em sẽ có nguồn cảm hứng để làm bài.
Các em đã ghi chép lại những cảnh quan quan sát được để phục vụ cho bài thi sắp tới.
Em Ngô Mai Phương, lớp 7A, HS trường THCS Thông Tây Hội, quận Gò Vấp chia sẻ, đây là lần đầu tiên em được trải nghiệm tàu cao tốc để ngắm nhìn TP.
“Cuộc thi là một sân chơi bổ ích để chúng em có thể tỏa sáng theo cách riêng của mỗi người. Hình thức tổ chức thi khá mới lạ, nó không diễn ra trong sân trường với không gian bó hẹp.
Cuộc thi được tổ chức tại bến Bạch Đằng, tụi em được ngắm nhìn TP, cảnh vật hai bên sông. TP đang ngày càng phát triển, có những tòa nhà cao tầng, bến cảng xen lẫn với những di tích gắn liền với những chặng đường lịch sử của dân tộc. Chuyến đi giúp em hiểu hơn về chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của TP. Đây sẽ là nguồn cảm hứng để em viết Văn. Bởi Văn không chỉ trong sách vở, Văn chính là cuộc sống, là thực tế mà chính chúng em được trải nghiệm", Mai Phương bày tỏ.
Trong khi đó, Thông Giai Thanh, HS trường THCS An Lạc, quận Bình Tân cho biết đây là một trải nghiệm khá thú vị. "Nó cho em thấy, học Văn không chỉ qua sách vở mà còn là thực tế cuộc sống. Chính những gì chúng em quan sát sẽ là nguồn cảm hứng để em viết văn hay hơn"- Thanh nói.
Các em còn được di chuyển lên boong tàu để nhìn ngắm TP một cách bao quát hơn.
"Đã nhiều lần dẫn HS đi thi Văn hay chữ tốt nhưng mỗi lần lại là một trải nghiệm mới mẻ" - cô Trần Kim Phượng, giáo viên trường THCS Lê Tấn Bê, quận Bình Tân nói.
Theo cô Phượng, năm nay ban tổ chức để các em lên tàu cao tốc ngắm nhìn TP rồi mới làm bài thi, đó sẽ là một trải nghiệm mới mẻ, đem đến cảm xúc cho các em. Đây cũng là cách giúp các em cảm nhận được sự thay đổi của Sài Gòn. “Nhiều HS chưa được đi tàu, chưa được quan sát cảnh sông nên đây sẽ là trải nghiệm hữu ích cho các em", cô Phượng nói thêm.
Bằng những trải nghiệm từ chuyến đi, các em sẽ làm bài thi trong vòng 100 phút.
Sau khi kết thúc chuyến đi, các em bước vào cuộc thi với thời gian 100 phút. Đề thi được ra liên quan đến chuyến trải nghiệm vừa rồi.
Đề thi dành cho HS khối 8-9.
Đề thi khối 6-7 giống như đề thi khối 8-9, chỉ khác ở câu 2 phần sáng tạo. Đề yêu cầu: "Ngắm nhìn TP thật quen từ một góc thật lạ, em đã có rất nhiều cảm xúc phải không? Từ những cảm xúc ấy, em hãy sáng tác một bài thơ/ kể một câu chuyện hoặc viết một bài văn biểu cảm về cuộc dạo chơi ngắm nhìn TP sáng nay với nhan đề: Hành trình trải nghiệm- Hành trình cảm xúc".
Bài thi phải đảm bảo được 2 yếu tố Văn hay và Chữ tốt. Văn hay thể hiện ở việc HS nắm vững kỹ năng làm bài, vận dụng phương thức biểu đạt, các thảo tác lập luận. Các em biết phát hiện, rung động trước các vẻ đẹp, thể hiện được khả năng quan sát, cảm xúc, góc nhìn riêng. Bên cạnh đó, bài thi phải có chữ viết đẹp, rõ ràng, nét bút mềm mại, trau chuốt, thể hiện sự sáng tạo trong nghệ thuật viết chữ…
Dự kiến lễ trao giải hội thi sẽ diễn ra vào sáng 15-1.