Sáng 10-1, Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức vòng chung kết cấp thành phố cuộc thi “Văn hay chữ tốt” lần thứ 20 năm học 2019-2020 tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Hội thi được tổ chức nhằm tạo ra môi trường học tập, giao lưu cho HS bậc THCS, qua đó giúp các em phát huy khả năng sáng tạo văn chương và yêu thích nghệ thuật viết chữ.
Năm nay, hội thi có sự tham gia của 150 HS gồm 75 HS khối 6-7 và 75 HS khối 8-9 đến từ các trường THCS trên địa bàn 24 quận, huyện. HS sẽ tham gia các hoạt động trải nghiệm, sau đó viết một bài văn.
Ở hoạt động trải nghiệm, các thí sinh sẽ lần lượt trải qua các trải nghiệm gồm “Lắng nghe lời mời gọi của sách”; “Lắng nghe lời thì thầm của trái tim”; “Lắng nghe lời tâm sự của thiên nhiên” và “Vẽ tranh cổ động”.
Thí sinh tham quan thư viện. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Ở hoạt động ”Lắng nghe lời mời gọi của sách”, HS tham quan thư viện với những kệ sách cao ngất, phong phú, đa dạng loại sách; tham dự “bữa tiệc sách” với “thực đơn sách” hấp dẫn như sách thường thức đời sống... Hoạt động này giúp HS hiểu thêm về sách, từ đó khơi lên tình yêu sách và quý trọng tri thức.
Thí sinh đóng vai người bị khiếm thị để thấu hiểu, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Với trải nghiệm “Lắng nghe lời thì thầm của trái tim”, các thí sinh sẽ được đóng vai HS khiếm thị, đeo băng bịt mắt để tìm đường đi trong bóng tối, sau đó ngồi vào bàn ăn và dùng bữa sáng. Mục đích của hoạt động này giúp các em hình dung, cảm nhận được những khó khăn, thiệt thòi của học sinh khiếm thị. Từ đó, các em thấu hiểu, cảm thông, yêu thương hơn những mảnh đời bất hạnh.
Hoạt động thứ ba “Lắng nghe lời tâm sự của thiên nhiên”, HS sẽ được vào vai một đàn linh dương mải vui chơi nên bị lạc vào một vùng ô nhiễm, tăm tối, ngập rác thải nhựa. Sau đó, các em sẽ tìm cách thoát ra và đến được một khu vườn xanh mát. Trải nghiệm này giúp HS cảm nhận được phần nào các tác hại của ô nhiễm môi trường, từ đó biết trân trọng, yêu thương và giữ gìn môi trường.
Trải nghiệm "Vẽ tranh cổ động" sẽ giúp các em học sinh nâng cao tinh thần làm việc nhóm. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Đến với trải nghiệm 4 “Chúng em cùng vẽ tranh cổ động”, học sinh sẽ chia thành 25 nhóm, lựa chọn 1 trong 3 hoạt động trải nghiệm để vẽ tranh, thể hiện cảm xúc và gửi gắm thông điệp đến mọi người. Từ đó, giúp các em biết làm việc nhóm, biết cách thể hiện các ý tưởng sáng tạo và biết cách lan tỏa các giá trị tốt đẹp đến mọi người. Ở phần thi này, HS đến từ quận 7 đã đưa ra thông điệp: “Bạn cô đơn? Đừng lo lắng, mỗi quyển sách đều có thể trở thành bạn”. Trong khi đó, nhóm học sinh quận 8 lại thực hiện tranh vẽ với chủ đề “Trái đất chúng mình”…
Sau khi trải qua những trải nghiệm để nuôi dưỡng cảm xúc, HS sẽ bước vào thời gian làm bài chính thức.
Học sinh khối 6-7 được yêu cầu viết một bài văn với nhan đề “Tình yêu khơi lên từ những trải nghiệm”. Riêng học sinh khối 8-9 lại thực hiện bài viết với chủ đề “Tôi trải nghiệm - tôi trưởng thành”.
Giải thưởng dành cho HS (chia đều cho 2 khối lớp 6-7 và 8-9) gồm: 2 giải nhất, 2 giải nhì, 4 giải ba; 24 giải khuyến khích). Dự kiến lễ tổng kết và trao giải diễn ra vào sáng 15-1.
Thích thú với những gì bản thân vừa trải qua, em Trần Mỹ Phước, Trường THCS Trương Mỹ Tây 1 (huyện Hóc Môn), bày tỏ: “Những hoạt động em vừa trải qua thật thú vị. Nó nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp thêm những cảm xúc, giúp em hiểu thêm về cuộc sống để từ đó có thể viết văn hay hơn. Không những thế, trải nghiệm trên khiến tinh thần em thoải mái, không bị căng thẳng trước khi bước vào bài thi chính thức”.
Là thành viên dẫn HS đi thi, cô Vũ Thị Hường, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng, quận 5, nói: “Tôi rất bất ngờ trước hình thức tổ chức hội thi của Sở GD&ĐT. Nếu năm trước, học sinh sẽ đến một địa điểm tham quan rồi khám phá thì năm nay tất cả hoạt động được tổ chức tại Trường Trần Đại Nghĩa. Nhờ vậy, HS của các quận trên địa bàn TP đã có cơ hội trải nghiệm tại một ngôi trường hiện đại, thông minh của thành phố”.
“Những hoạt động trải nghiệm hôm nay rất thú. Nó sẽ là những nguồn cảm xúc chân thật, là nguồn cảm hứng để các em viết văn thật hay. Hội thi là cơ hội để các em thể hiện, cũng là điều kiện để giáo viên học hỏi và trau dồi cách thức tổ chức hội thi” - cô Hường nói.