Học sinh gây thiệt hại, phụ huynh hay nhà trường phải bồi thường?

(PLO)- Theo BLDS 2015 và Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP, người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường, trừ trường hợp trường học chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 1-1-2023, Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP (Nghị quyết 02) hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có hiệu lực thi hành.

Nghị quyết này hướng dẫn nhiều quy định mới của BLDS 2015.

Đại diện nhà trường và các em học sinh đang theo dõi một phiên tòa giả định. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG

Đại diện nhà trường và các em học sinh đang theo dõi một phiên tòa giả định. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG

Học sinh gây thiệt hại, ai bồi thường?

Điều 599 BLDS 2015 quy định người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra. Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

Trường học, bệnh viện, pháp nhân khác không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý. Trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.

Tại Điều 11, Nghị quyết 02 đã hướng dẫn cụ thể "trong thời gian trường học trực tiếp quản lý" là trong phạm vi thời gian và không gian mà trường học đã tiếp nhận và có trách nhiệm quản lý, chăm sóc, dạy dỗ người chưa đủ mười lăm tuổi.

"Trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý" là trong phạm vi thời gian và không gian mà bệnh viện, pháp nhân khác đã tiếp nhận và có trách nhiệm quản lý, điều trị người mất năng lực hành vi dân sự.

Ngoài ra, theo Điều 586 BLDS 2015, đối với học sinh từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Học sinh từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

Thời điểm biết quyền lợi bị xâm phạm

Theo BLDS 2015, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (BLDS 2005 quy định là 2 năm).

Tại Điều 5 Nghị quyết 02 đã hướng dẫn thời điểm người có quyền yêu cầu biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là khi họ nhận ra được hoặc có thể khẳng định được về việc quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Nghị quyết nêu ví dụ: Ngày 2-7-2022, A phát hiện cá trong ao nhà mình bị chết hàng loạt. A nghi ngờ nguyên nhân là do nguồn nước thải từ nhà B nên A yêu cầu cơ quan giám định về môi trường tiến hành giám định nguyên nhân. Ngày 15-8-2022, A nhận được kết quả giám định về nguyên nhân gây ra thiệt hại chính là do nguồn nước thải từ nhà B. Trường hợp này, thời điểm A biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm là ngày 15-8-2022.

Đối với trường hợp người có quyền yêu cầu phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là trong điều kiện, hoàn cảnh bình thường, nếu có thiệt hại xảy ra thì người đó biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc trường hợp pháp luật có quy định phải biết.

Nghị quyết nêu 2 ví dụ. Ví dụ 1: Ngày 20-6-2022, A gây thương tích cho B và cùng ngày B phải vào nhập viện điều trị thương tích. Trường hợp này, thời điểm B phải biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm là ngày 20-6-2022.

Ví dụ 2: A giao cho B trông giữ chiếc xe ô tô của A theo hợp đồng gửi giữ tài sản. Trong thời hạn của hợp đồng, xe ô tô bị C phá hủy. Tại thời điểm xe ô tô bị thiệt hại, B không có mặt tại nơi xảy ra thiệt hại nhưng B vẫn phải biết về việc thiệt hại xảy ra. Thời điểm B phải biết là thời điểm C gây thiệt hại.

Ví dụ về nguồn nguy hiểm cao độ

Tại Điều 12 của nghị quyết đã hướng dẫn về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo Điều 601 của BLDS.

Theo đó, nguồn nguy hiểm cao độ được xác định theo quy định tại Điều 601 BLDS và các văn bản pháp luật có liên quan.

Nghị quyết nêu 2 ví dụ về nguồn nguy hiểm cao độ.

Ví dụ 1: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự theo quy định tại khoản 18 Điều 3 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là nguồn nguy hiểm cao độ.

Ví dụ 2: Vũ khí theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi, bổ sung năm 2019 là nguồn nguy hiểm cao độ.

Cũng giống như quy định cũ, Nghị quyết 02 quy định chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ngay cả khi không có lỗi, trừ hai trường hợp. Đó là thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại và thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết.

Tuy nhiên, Nghị quyết 02 đã quy định rõ hơn về tình thế cấp thiết và có ví dụ hướng dẫn. Cụ thể, tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.

Ví dụ: A đang lái xe ô tô theo đúng Luật Giao thông đường bộ, B lái xe máy theo hướng ngược chiều với A và lấn làn đường của A. Để tránh gây tai nạn cho B và không còn cách nào khác nên A đã lái xe va vào chiếc xe máy thuộc sở hữu của C đang đậu trên lề đường gây thiệt hại cho C. Trường hợp này là tình thế cấp thiết, A không phải bồi thường thiệt hại cho C mà B phải bồi thường thiệt hại cho C vì B đã gây ra tình thế cấp thiết theo khoản 2 Điều 595 BLDS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm