Nhóm ủng hộ cho rằng giáo viên được nhiều hơn mất, bởi thầy cô không phải là thánh nên có thể sai lầm. Vì vậy không thể xem thường học sinh, hay sợ các em nhận xét sai về mình mà hãy xem ý kiến của học sinh là một kênh thông tin quý giá để giáo viên nhìn lại mình, tự hoàn thiện mình.
Nhóm phản đối lo ngại học sinh nhận xét không khách quan, những học trò cá biệt có thể nhân cơ hội này sẽ có những lời nói, hành vi xúc phạm thầy cô. Và e rằng sẽ có hiện tượng giáo viên dễ dãi trên lớp để chiếm cảm tình học sinh.
Hiệu quả ra sao chưa tổng kết được vì thầy hiệu trưởng tuyệt đối bí mật trong việc lấy và xử lý thông tin. Với tôi thì thầy gặp riêng một lần để trao đổi: “Thầy Trí phải thường xuyên đeo bảng tên khi lên lớp”. Tôi lặng người đi...
Vốn tính cầu toàn không muốn ai nhắc nhở nên tác phong tôi rất chuẩn mực. Thường tôi thủ hai bảng tên, một trong túi áo một trong cặp, để có lỡ quên cái này thì còn cái kia. Nhưng một hôm, em học trò bảo: “Hình thầy ngầu quá”. Tôi đỏ mặt phát hiện tấm hình chụp hồi mới ra trường, cái thời model tóc một phân nên khá bặm trợn. Kể từ đó tôi đeo bảng tên theo hình thức đối phó khi gặp ban giám hiệu, còn vào lớp thì giấu tiệt, định bụng hôm nào thay hình khác. Vậy mà...
Tôi nằm trong đội kiểm tra trang phục học sinh nên thường nhắc nhở các em. Bây giờ mình lại vi phạm... Thật đáng trách!
Tôi nói chuyện ấy với một đồng nghiệp thân tín, thầy cười bảo: “Tôi cũng bị”. Dò hỏi một số thầy cô khác thì ra ai cũng được thầy hiệu trưởng nhắc nhở đôi lần một cách kín đáo và tế nhị. Không nói ra nhưng thầy cô nào cũng cố gắng tìm cho mình những chỗ hổng để điều chỉnh.
Cứ mỗi tiết chào cờ đầu tháng thầy hiệu trưởng đều tổng kết và nhận xét: Thầy khen các em đã mạnh dạn thẳng thắn góp ý. Có rất nhiều góp ý đúng các thầy cô đã cố gắng hoàn thiện. Tuy nhiên cũng có những góp ý mà các em chưa hiểu bản chất sự việc, chưa tìm hiểu nguyên nhân, chưa phân tích thấu đáo đúng - sai nên các thầy cô không thể sửa được. Ví dụ các em bảo thích thầy A dạy vì thầy ít kiểm tra bài cũ lại dễ dãi trong việc đánh giá điểm. Thế là chưa được. Các em phải thử xem thầy A dạy có dễ hiểu không, bài kiểm tra có đánh giá đúng việc dạy và học của các em không? Lúc đó các em mới góp ý chính xác. Phải nói cho đúng thì lời nói mới có giá trị. Góp ý đúng cũng là một cách bảo vệ năng lực và nhân cách của các em, còn nếu không hộp thư này không có giá trị nữa.
Kể từ lúc ấy mọi hoạt động dạy học trong trường có nhiều chuyển biến tích cực. Học sinh học tập nghiêm túc hơn. Đội cờ đỏ dễ dàng phát hiện việc làm sai trái của học sinh mà kịp thời uốn nắn... Thầy cô thì luôn thể hiện sự minh bạch, trong sáng, công bằng, không thiên vị, không phân biệt đối xử với học sinh trong mọi tình huống, đặc biệt là quá trình giảng dạy hay thi cử.
Vậy mà năm nay không hiểu sao các hòm thư đều bị gỡ bỏ. Không lẽ việc góp ý của học sinh là không nên?
ĐỖ NHẤT TRÍ
(Trường THCS Đồng Khởi, Hòa Thịnh, Tây Hòa, Phú Yên)
Theo TTO