Học sinh khiếm khuyết vẽ tranh gây quỹ từ thiện

(PLO)- Học sinh khiếm khuyết của Trường Chuyên biệt Bình Tân, TP.HCM vẽ tranh bán đấu giá để gây quỹ từ thiện cho trường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cầm cây bút, cháu Võ Thị Hà Phượng (11 tuổi, học sinh lớp 2 Trường Chuyên biệt Bình Tân, TP.HCM) cắm cúi viết những dòng chữ chưa được tròn trịa trên tờ giấy trắng: “Chú thấy cháu vẽ có đẹp không?”.

Tôi gật đầu, lòng lâng lâng...

Các cô, chú chống dịch COVID-19 cực quá!

Bức tranh do cháu Phượng vẽ có hình bản đồ Việt Nam, cạnh đó một nhân viên y tế trong đồng phục chống dịch đang chiến đấu với “con” Corona gây bệnh COVID-19.

Không chỉ vậy, lực lượng nhân viên y tế sẵn sàng bước vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 được Phượng thể hiện trong tranh hết sức chân thật, mộc mạc. “Cháu xem truyền hình nên biết TP.HCM đã trải qua đợt dịch COVID-19 đầy gian nan. Để đẩy lùi dịch COVID-19, các cô chú y tế không ngại gian khó, đương đầu với hiểm nguy. Cháu cám ơn cô, chú y tế nhiều lắm” – Phượng tiếp tục viết những dòng chữ sai nhiều lỗi chính tả rồi đưa tôi xem.

Tôi viết lên tờ giấy: “Ước mơ sau này của cháu là gì?”. Ngẫm nghĩ một lúc, Phượng nắn nót viết từng chữ trên giấy: “Cháu sẽ làm bác sĩ như các cô, chú trong tranh để tham gia chống dịch COVID-19, khám bệnh cho ba má và mọi người”.

Cháu Lục Tuyết Mai (trái) và cháu Võ Thị Hà Phượng cùng hai bức tranh được bán đấu giá. Ảnh: TRẦN NGỌC

Cháu Lục Tuyết Mai (trái) và cháu Võ Thị Hà Phượng cùng hai bức tranh được bán đấu giá. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tôi tiếp tục "bút đàm": “Tranh của cháu được bán để gây quỹ từ thiện cho trường, cháu vui không?”. Phượng nhìn tôi, gật đầu và cười thật tươi

Nguyên do Phượng không thể nói mà phải viết trên giấy, bởi cháu bị khiếm thính bẩm sinh từ lúc lọt lòng. “Phượng là con duy nhất trong nhà. Khi biết con không thể nghe nói, vợ chồng tôi đưa đi khắp nơi điều trị nhưng các bác sĩ đều lắc đầu. Cuối cùng, vợ chồng tôi đưa con vào học tại Trường Chuyên biệt Bình Tân” – ba của Phượng chia sẻ.

Lớn lên con làm cô giáo

Cùng hoàn cảnh như Phượng, cháu Lục Tuyết Mai (15 tuổi, học lớp 3 Trường Chuyên biệt Bình Tân) không thể nghe, cũng chẳng thể nói rõ lời.

“Mai là con thứ hai trong nhà. Được bốn tuổi, do Mai chậm nói nên gia đình đưa đi khám. Nghe bác sĩ nói Mai bị khiếm thính, cả nhà lặng người” – mẹ cháu Mai cho biết.

Bác sĩ khuyên đưa Mai ra nước ngoài điều trị, ngặt gia cảnh quá khó khăn nên không thể. Gia đình gom góp mua cho Mai máy trợ thính để hỗ trợ việc nghe nhưng cũng không mấy khả quan.

“Do không thể nghe và nói nên gia đình đưa Mai vào học tại Trường Chuyên biệt Bình Tân. Có một điều rất mừng, Mai thích vẽ và vẽ khá đẹp. Có lẽ ông Trời lấy đi của Mai cái này nên bù cho Mai cái khác” – mẹ cháu Mai trải lòng.

Tranh do Mai vẽ có hình cô giáo mặc áo dài trắng tinh đang vui chơi với học sinh. Xa xa là trường học có cây xanh che bóng mát, cạnh đó hai học sinh chơi bập bênh. “Cháu thích làm cô giáo nên vẽ cô giáo. Lớn lên cháu sẽ làm cô giáo để dạy các em bị khiếm thính giống mình” – Mai viết trên giấy rồi đưa PV xem.

Thầy cô, phụ huynh và hai học sinh có tranh mang đấu giá gây quỹ từ thiện. Ảnh: TRẦN NGỌC

Thầy cô, phụ huynh và hai học sinh có tranh mang đấu giá gây quỹ từ thiện. Ảnh: TRẦN NGỌC

Ngoài vẽ cô giáo, Mai còn bức tranh vẽ các chú bảo vệ đang giúp dân ngăn nước lũ rất đẹp. “Trong lần về quê ở miền Tây ngay mùa mưa lũ, cháu thấy các chú bảo vệ cùng dân chở những bao cát chặn nước vô nhà. Hình ảnh đó cháu nhớ mãi” – Mai trải lòng qua từng con chữ nguệch ngoạc trên giấy.

Khi được biết cả hai bức tranh mình vẽ được mang bán đấu giá làm quỹ từ thiện cho trường, Mai không giấu được nỗi vui mừng.

Học sinh khiếm khuyết đa phần nghèo

Ông Bùi Quang Đạt, Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Chuyên biệt Bình Tân, cho biết do trường tổ chức nhiều hoạt động phù hợp với từng nhóm học sinh khiếm khuyết để nâng cao thể trạng và tinh thần nên tốn nhiều chi phí. Bên cạnh đó, trường cũng cần có kinh phí để hỗ trợ cho những học sinh có hoàn cảnh quá khó khăn.

“Được sự thống nhất của Ban đại diện cha mẹ học sinh, chúng tôi kết hợp với Trường Chuyên biệt Bình Tân tổ chức cho học sinh vẽ tranh để gây quỹ từ thiện. Ba bức tranh đẹp nhất sẽ được mang đấu giá tại giải tennis từ thiện do Câu lạc bộ tennis doanh nhân Bình Tân tổ chức sắp tới” – ông Đạt cho biết thêm.

Thầy Phan Văn Vinh, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Bình Tân, cho biết đa phần học sinh khiếm khuyết của trường có hoàn cảnh khó khăn nên sự đóng góp của phụ huynh có hạn. Trong khi nhà trường rất cần kinh phí để tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh, cũng như hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

“Không ít học sinh hàng tháng không có tiền đóng các khoản thu. Nhiều trường hợp học phí đóng trễ tháng” – thầy Vinh cho biết thêm.

Tổng cộng 12 bức tranh được học sinh của trường sáng tác. Cuối cùng, nhà trường và Ban dại diện cha mẹ học sinh chọn ba bức tranh đẹp nhất để mang đấu giá tại giải tennis từ thiện sắp tới. “Nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm của các mạnh thường quân đối với các cháu khiếm khuyết đang theo học tại Trường Chuyên biệt Bình Tân trong buổi bán đấu giá ba bức tranh” – thầy Vinh trải lòng.

“Giải Tennis từ thiện” gây quỹ ủng hộ học sinh Trường Chuyên biệt Bình Tân sẽ khai mạc vào sáng 23-7. Buổi đấu giá tranh sẽ được tổ chức tối cùng ngày tại nhà hàng Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM.

Học sinh của trường nhận nhiều huy chương thi đấu thể thao

Trường Chuyên biệt Bình Tân hiện có gần 220 học sinh khiếm thính, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, bại não, Down, tật vận động, đa tật…

Mặc dù bị khiếm khuyết thể chất, tinh thần nhưng nhiều học sinh của trường tham gia phong trào thể dục thể thao do trường và TP.HCM tổ chức.

Trong đại hội thể dục thể thao dành cho người khuyết tật do TP.HCM tổ chức vừa qua, học sinh Trường Chuyên biệt Bình Tân nhận được tổng cộng 47 huy chương cho các môn boxing, bóng đá, điền kinh… Trong đó, 16 huy chương vàng, 19 huy chương bạc và 12 huy chương đồng.

Thầy PHAN VĂN VINH, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Bình Tân, TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm