Học sinh lớp 12 “chạy marathon” với tuyển sinh riêng

(PLO)- Lịch ôn thi của học sinh lớp 12 gần như kín mít vì ngoài ôn thi tốt nghiệp ở trường, các em còn luyện thi trực tuyến để tham gia các kỳ tuyển sinh riêng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2023, bên cạnh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH có xu hướng mở ra các kỳ thi tuyển sinh riêng nhằm tìm thí sinh (TS) phù hợp với nhu cầu đào tạo. Nhiều kỳ thi cùng diễn ra cũng khiến các em không khỏi bị áp lực.

Ôn nhiều kỳ thi cùng lúc

Em Bùi Minh Việt, đang học lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức, TP.HCM), cho biết gần 2/3 lớp em cùng đăng ký thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 1 (ngày 1-2) của trường này.

Cách chuẩn bị tốt nhất cho những kỳ thi ĐGNL là các em cứ học thật tốt và thoải mái ở trường phổ thông, có hệ thống hóa các vấn đề, đừng học lệch, học tủ vì đề thi đòi hỏi năng lực để xử lý dữ kiện đề đưa ra. Các em nên cân nhắc chọn kỳ thi nào phù hợp với mình nhất, trường nào mình muốn vào chứ đừng nên cố gắng thi tất cả kỳ thi cho mất công.

Tiến sĩ NGUYỄN QUỐC CHÍNH, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM

“Đa số các bạn đã đăng ký thi đợt 1 sẽ thi thêm đợt 2 nữa vì đằng nào đây cũng là năm học cuối, nếu còn cơ hội thi để xét tuyển thì sẽ tham gia. Nhưng lịch học và ôn tập ở trường dày đặc nên tụi em chủ yếu ôn thi ĐGNL theo nhóm vào các buổi tối và mua chung tài liệu trên mạng về ôn” - Việt cho hay.

Cũng tham gia thi ĐGNL đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM, em Phan Đình Phương (lớp 12 Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM) cho hay vốn học chuyên khoa học tự nhiên để thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Tuy nhiên, đề thi ĐGNL này tổng hợp nhiều môn học nên Phương cùng nhóm bạn theo dõi ôn tập trực tuyến trên fanpage thêm các môn khoa học xã hội và tiếng Anh.

Phương cho biết thêm em và một số bạn sắp tới còn đăng ký thi ĐGNL của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. “Chắc em sẽ thi bốn đợt, mỗi nơi hai đợt thôi chứ thi nhiều em đuối quá, lại tốn kém nữa. Giá mà các trường sử dụng chung kết quả như năm ngoái thì tốt cho tụi em hơn. Kỳ thi nào cũng có chỉ tiêu xét tuyển cao, bỏ cũng không đành, mà thi thì phải ôn mới mong có kết quả tốt” - Phương tâm tư.

Chia sẻ thực tế này, ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, TP.HCM), cho biết năm nay trường có 620 học sinh lớp 12. Đến nay đã có 60%-70% em đăng ký thi ĐGNL đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM và dự báo gần như 100% em đăng ký. Trong đó, nhiều em chọn thêm các kỳ thi riêng ở trường khác nhưng số lượng hạn chế hơn.

Thí sinh tìm hiểu và trao đổi với đại diện Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM về thông tin tuyển sinh năm 2023. Ảnh: ANH VŨ
Thí sinh tìm hiểu và trao đổi với đại diện Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM về thông tin tuyển sinh năm 2023. Ảnh: ANH VŨ

Ông Hải cho hay lịch ôn thi của các em gần như kín mít vì ngoài học ở trường, các em còn luyện thi trực tuyến nên mất nhiều thời gian.

“Khi dạy hướng nghiệp, tôi khuyên các em không nên đăng ký quá nhiều kỳ thi vì sẽ gây đuối sức, hơn nữa các em cần phải hoàn thành chương trình học và kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đã. Nhiều em chia sẻ không thể bỏ kỳ thi nào được, thà chọn thi hết còn hơn bỏ sót nên ôn thi như chạy đua marathon vì phải phân bổ đều thời gian học lẫn ôn” - ông Hải nói.

Cần tìm hiểu kỹ, đừng “tham” dự thi nhiều

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết sau 1/2 thời gian mở cổng đăng ký đã có hơn 50.000 TS đăng ký và hoàn tất thủ tục dự thi đợt 1, tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Tiến sĩ Chính cho rằng nhiều kỳ thi tuyển sinh riêng không phải là áp lực mà giúp các em có thêm lựa chọn và cơ hội. Bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT mới là kỳ thi áp lực nhất và quyết định cả quá trình học tập của các em. Còn những kỳ thi khác chỉ là cơ hội bổ sung, các em thấy kỳ thi nào phù hợp thì tham gia. Đề thi ĐGNL của trường cũng rất nhẹ nhàng, không hỏi về nhớ kiến thức hay kiểu học thuộc lòng mà nhằm ĐGNL của các em. Khi xây dựng kỳ thi này, trường cũng không khuyến khích các em luyện thi.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho hay kỳ thi của trường bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, trong đó 90% kiến thức lớp 12, còn lại là lớp 10 và lớp 11. Do đó, TS không cần ôn tập hay luyện thi thêm bất cứ nội dung gì.

Hơn nữa, kỳ thi dự kiến tổ chức sáu đợt, TS có thể thử sức để biết điểm yếu, điểm mạnh của mình, từ đó có kế hoạch ôn tập phù hợp ở những đợt thi tiếp theo hoặc các kỳ thi khác.

Ở góc độ là trường THPT, ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, TP.HCM), cho rằng việc các trường ĐH mở kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào là phù hợp, đảm bảo ĐGNL khách quan, chất lượng hơn, hạn chế xảy ra tiêu cực.

“Các trường ĐH có thể liên kết để cùng tổ chức các kỳ thi hoặc sử dụng kết quả chung để xét tuyển. Nếu các em chọn một ngành nào đó mà phải thi ở rất nhiều trường sẽ áp lực lớn vì tâm lý phụ huynh học sinh không muốn bỏ kỳ thi nào cả” - ông Hải góp ý.

Hơn 25 đợt thi đánh giá năng lực

Năm 2023, cả nước có tám cơ sở đào tạo ĐH thông báo sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng với 25 đợt thi, cụ thể như sau:

ĐH Quốc gia TP.HCM: Hai đợt, ngày 28-3 và 28-5.

ĐH Quốc gia Hà Nội: Tám đợt, từ ngày 10-3 đến hết 4-6.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Hai đợt, một đợt vào tháng 4 và một đợt vào tháng 6.

Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM: Sáu đợt, trong tháng 4 và tháng 5.

ĐH Bách khoa Hà Nội: Ba đợt, vào các tháng 5, 6 và 7.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Một đợt, ngày 6-5.

Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội: Ba đợt, từ tháng 3 đến tháng 7.

Bộ Công an: Dự kiến trong tháng 3 hoặc tháng 4.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm