Ngành GD&ĐT TP.HCM thực sự chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ bắt đầu từ năm học 2023-2024, đến nay đã đạt được một số thành quả nhất định.
Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định đầu tư hợp lý vào hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân lực và xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CĐS ngành giáo dục.
Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu (ảnh), Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, về vấn đề này.
Phát triển giáo dục chất lượng cao
. Phóng viên: Thưa ông, hiện các trường học tại TP.HCM đã và đang triển khai mô hình trường học số, ông đánh giá thế nào về sự đổi mới này?
+ Ông Nguyễn Văn Hiếu: Mô hình trường học số được xây dựng trên nền tảng Google Classroom là một trong những nội dung hợp tác chiến lược giữa ngành GD&ĐT TP.HCM và Google for Education.
Trong nội dung làm việc tại trụ sở Google for Education vừa qua, phía đối tác đã trình bày những công nghệ mới và định hướng phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với đoàn công tác của Sở GD&ĐT TP.HCM. Việc này nhằm giúp học sinh (HS) và giáo viên (GV) tiếp cận các công nghệ mới nhất, đặc biệt là AI.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung tiếp cận và nỗ lực làm chủ công nghệ AI, sự hợp tác này chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong hoàn thành nhiệm vụ chung của quốc gia.
. TP.HCM là địa phương tiên phong trên cả nước thực hiện CĐS trong lĩnh vực giáo dục. Thời gian qua, ngành giáo dục TP đã triển khai kế hoạch như thế nào để hiện thực hóa mục tiêu, thưa ông?
+ CĐS của ngành GD&ĐT TP được thực hiện từng bước theo lộ trình, đồng thời liên tục cập nhật để phù hợp với sự thay đổi không ngừng của công nghệ trên thế giới và chiến lược CĐS quốc gia.
Lộ trình này bắt đầu từ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối thông tin giữa các hệ thống, các cơ sở giáo dục trên hệ thống quản lý học tập (LMS), hướng tới hoàn thiện kho học liệu số dùng chung. Cùng với đó, công tác tuyển sinh, các thủ tục hành chính… cũng được số hóa nhằm tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả công việc.
Hướng đến công nhận 50 trường học số đầu tiên
. Việc ngành giáo dục TP đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy và học đã mang lại hiệu quả thế nào trong thời gian qua, thưa ông?
+ Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, GV được trang bị các công cụ hỗ trợ như bài giảng số, phần mềm giáo dục, phần mềm mô phỏng, các ứng dụng giáo dục, nguồn tài nguyên số… phong phú giúp họ truyền đạt kiến thức sinh động và hiệu quả hơn.
Về phía HS, các em tiếp thu kiến thức nhanh hơn, nhớ lâu hơn khi bài học được minh họa bằng hình ảnh trực quan sinh động, các đoạn clip, video mô phỏng bao gồm hình ảnh và âm thanh. Việc triển khai hệ thống quản lý học tập còn thúc đẩy khả năng tư duy, sáng tạo, kỹ năng tự học của HS khiến việc học trở nên dễ dàng, thú vị hơn rất nhiều…
Bộ tiêu chuẩn công nhận trường học số trên địa bàn TP.HCM do UBND TP ban hành bao gồm sáu tiêu chuẩn lớn: Thể chế số; cơ sở vật chất, hạ tầng số; dữ liệu số; nhân lực số; quản trị và điều hành số và giáo dục số.
Cùng với đó là quy định về phòng studio xây dựng học liệu số; phòng học số (di động hoặc cố định); phòng thí nghiệm hiện đại, phòng thí nghiệm STEAM, ứng dụng thí nghiệm mô phỏng.
. HS TP.HCM được lợi gì khi tiếp cận với mô hình trường học số, thưa ông?
+ Mục tiêu của TP.HCM đến năm 2025 sẽ có 50 trường học số chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các tiêu chí, tiêu chuẩn công nhận trường học số do UBND TP đã ban hành phù hợp với xu hướng CĐS chung của thế giới.
Bên cạnh đó, việc Sở GD&ĐT cho phép kết nối dữ liệu ngành với nền tảng Google để tạo tài khoản Google Classroom giúp HS dễ dàng đăng nhập các hệ thống, phần mềm giáo dục trên thế giới bằng tài khoản định danh cá nhân. Điều này giúp trường lựa chọn giải pháp phù hợp với nhu cầu và thuận lợi trong công nhận triển khai mô hình trường học số tại đơn vị.
Nhiều nút thắt cần tháo gỡ
. Ngoài các thuận lợi, ngành GD&ĐT TP có gặp khó khăn, rào cản nào trong quá trình CĐS, thưa ông?
+ Trước hết là hạ tầng công nghệ thông tin ở nhiều trường chưa đồng bộ và hoàn thiện, nhất là khu vực ngoại thành. Một số GV chưa được đào tạo đầy đủ về việc sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy nên gặp khó khăn khi áp dụng các phương pháp giảng dạy mới. HS ở khu vực khác nhau có mức độ tiếp cận và sử dụng công nghệ không đồng đều, có chênh lệch về chất lượng học tập.
Ngân sách dành cho CĐS còn hạn chế cũng là một rào cản vì đầu tư cho hạ tầng công nghệ và phần mềm quản lý đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Đó là chưa nói đến chi phí bảo trì và nâng cấp hệ thống sau khi triển khai.
Khó khăn tiếp theo là một số GV và cán bộ quản lý đã quen với phương pháp giảng dạy truyền thống, chưa thấy rõ lợi ích của CĐS, thiếu động lực thay đổi chính mình.
Vấn đề an ninh mạng và bảo mật thông tin cũng đặt ra nhiều lo ngại, bởi việc sử dụng các hệ thống trực tuyến có thể dẫn đến nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân của HS và GV nếu không có biện pháp bảo vệ thích hợp. Ngoài ra, hệ thống có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng…
. Vậy để quá trình CĐS ngành giáo dục của TP được thuận lợi, theo ông thì cần phải làm gì?
+ Để vượt qua những thách thức và rào cản trên cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, nhà trường, GV, phụ huynh và cả cộng đồng. Đồng thời, việc đầu tư hợp lý vào hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân lực và xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp là rất cần thiết để thúc đẩy quá trình CĐS trong giáo dục của TP.
. Xin cảm ơn ông.
Mới đây, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có một số buổi làm việc liên tục với Google châu Á - Thái Bình Dương nhằm thực hiện các nhóm nhiệm vụ chính trong CĐS ở lĩnh vực giáo dục. Cụ thể, sở phối hợp với Google xây dựng, triển khai chiến lược về dữ liệu giáo dục, từ đó thực hiện định hướng, phân luồng HS từ sớm.
Triển khai chương trình đào tạo AI cho HS theo dự án Google DeepMind đúng theo định hướng chuẩn quốc tế và phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT Việt Nam. Song song đó, kết hợp chương trình đào tạo nâng cao năng lực CĐS của cán bộ quản lý, GV, nhân viên ngành giáo dục để GV có thể tham gia cộng đồng giáo dục toàn cầu.
Ông NGUYỄN THÁI VĨNH NGUYÊN, Trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức:
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực
Trong quá trình CĐS, con người là yếu tố then chốt. Vì thế, việc lựa chọn nội dung để đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ rất quan trọng.
May mắn TP.HCM có chương trình hợp tác với Google, sau đó TP Thủ Đức đã xin ý kiến của Thường trực Thành ủy TP.HCM triển khai. Quá trình hợp tác thể hiện trên ba phương diện: Đào tạo, bồi dưỡng con người; thực hiện trường học số và nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Từ tập trung đào tạo nguồn nhân lực, hiện TP Thủ Đức đã có 4.800 GV đạt Google Educator trình độ căn bản ở bậc tiểu học và THCS. 2.800 GV mầm non đang tiếp tục học lớp căn bản. Hiện Trường THCS Hoa Lư và Trường THCS Trần Quốc Toản 1 đều có đội ngũ GV đạt chứng chỉ Google Educator Level 1. Đội ngũ này đã và đang ứng dụng các công cụ Google vào trong các tiết học một cách hiệu quả, đem lại sự hứng thú cho HS.
Ông PHẠM ĐĂNG KHOA, Trưởng phòng GD&ĐT quận 3:
Bốn yếu tố quyết định sự thành công của chuyển đổi số
Ngành GD&ĐT quận 3 đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản trị trường học và kiểm tra, đánh giá HS, ứng dụng AI trong giảng dạy. Dịp 20-11 năm nay, Phòng GD&ĐT quận 3 gửi tặng đến toàn thể GV, nhân viên trang web cung cấp miễn phí 100 đầu sách điện tử có bản quyền về các chủ đề giáo dục, quản lý giáo dục, rèn luyện kỹ năng…
Để thực hiện thành công CĐS trong giáo dục, theo tôi có bốn yếu tố then chốt. Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của người đứng đầu về CĐS. Thứ hai, nâng cao nhận thức, kỹ năng của GV, HS và phụ huynh HS đối với các hoạt động liên quan. Thứ ba, các trường cần đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, tài nguyên học liệu số phong phú và dễ tiếp cận. Cuối cùng là tăng cường sự hợp tác giữa các trường, cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc chia sẻ kinh nghiệm, tài nguyên và hỗ trợ kỹ thuật cho GV, HS.
Bà LÊ THỊ OANH, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nhà Bè:
Nhân tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số chính là giáo viên
Hiện huyện Nhà Bè đã xây dựng được bốn phòng học thông minh và bốn thư viện thông minh từ nguồn kinh phí ngân sách kết hợp với xã hội hóa. 100% cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm để quản trị nhà trường.
Đáng nói là 100% trường tiểu học, THCS đã phối hợp với các tổ chức giáo dục cung cấp các khóa học trực tuyến thông qua nền tảng và công cụ kỹ thuật số, cho phép HS học tập mọi lúc, mọi nơi thông qua hệ thống quản lý học tập. 100% GV của các trường này đều được tập huấn kỹ năng xây dựng bài giảng số để xây dựng kho học liệu số phục vụ việc dạy - học trực tuyến.
Trong CĐS giáo dục, chúng tôi xác định nhân tố quan trọng nhất là GV. Họ cần được đào tạo, phát triển kỹ năng để thích nghi với sự thay đổi liên tục và tận dụng tiềm năng của công nghệ số. Ngoài ra, người quản lý phải biết tạo động lực cho GV để họ tích cực tham gia quá trình chuyển đổi này.