“Hội chứng sân bay”!

Hiệu quả thấp

. Theo ông, tỉnh An Giang có cần thiết phải xây dựng sân bay hay không?

“Hội chứng sân bay”! ảnh 1

+ Ông Mai Trọng Tuấn(ảnh): Gọi đây là một “hội chứng sân bay” thì đúng hơn. Các tỉnh dường như không chú ý phát huy đúng thế mạnh của mình mà tìm cách xây dựng sân bay hay cảng biển cho bằng anh, bằng em. Xây dựng sân bay mà mỗi ngày chỉ bay có một chuyến thì lỗ chết, còn mỗi ngày bay hàng chục chuyến, ở An Giang chắc chắn không có nhu cầu.

Hàng xuất khẩu bằng đường hàng không phải là hàng tinh và có giá trị rất cao. Đến nay, thế mạnh của An Giang mới chỉ có cá tra và lúa gạo. Đây chưa phải là hàng có giá trị thật cao nên nếu vận chuyển bằng máy bay sẽ không có hiệu quả. Mà nếu có vận chuyển cá tra và lúa gạo bằng đường hàng không thì phải dùng máy bay chuyên về chở hàng như kiểu Boeing 747 ERF chứ không phải loại nhỏ như ATR 72 như dự kiến. Do đó, hiệu quả kinh tế của việc vận chuyển hàng bằng đường hàng không từ An Giang đến Cần Thơ sẽ thấp hơn nhiều so với đường bộ, chưa kể chi phí để vận hành một sân bay. Quan trọng là phải có con số thống kê thuyết phục. Hiện du lịch tại An Giang chưa được coi là hấp dẫn. Còn nhà đầu tư và doanh nhân tại đây chưa có nhiều.

Đến nay, ngay cả sân bay Cần Thơ cũng chưa đem lại hiệu quả kinh tế vì mỗi ngày chỉ có vài ba chuyến.

“Hội chứng sân bay”! ảnh 2

Lượng khách đi lại là yếu tố đầu tiên để các hãng mở đường bay. Ảnh: Q.TRUNG

Khó kiếm nhà đầu tư

. Biết đâu đó là cách “đi tắt đón đầu” nhằm thu hút nhà đầu tư?

+ Thế mạnh của An Giang là thủy sản và lúa gạo. Cứ cho sẽ có 20-30 nhà đầu tư nước ngoài vào An Giang thì nhu cầu đi máy bay mỗi ngày của tỉnh cũng chỉ một chuyến ATR 72 (khoảng 50-60 người), chứ chưa bùng nổ về nhu cầu hàng không. An Giang chỉ nên xây dựng sân bay nếu mỗi ngày lượng khách cả đi lẫn về tương đương 20 chuyến bằng máy bay ATR 72.

. Thay vì đầu tư sân bay thì nên dành số tiền đó xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là đường sá từ An Giang tới Cần Thơ. Ý kiến này liệu có hợp lý không?

+ Hiện nay giao thông từ An Giang sang Cần Thơ tương đối tốt. Nếu hành khách và hàng hóa từ An Giang muốn đi bằng đường hàng không có thể xuất phát từ sân bay Cần Thơ. Chưa nói đâu xa, sân bay Cần Thơ hiện đang “ế ẩm” sau một thời gian đưa vào khai thác. Theo tôi, với nhu cầu quá ít như thế, sẽ khó có doanh nghiệp nào dám bỏ tiền xây dựng sân bay tại An Giang.

. Tóm lại, đồng bằng sông Cửu Long có cần phải xây dựng thêm một sân bay nào nữa không?

+ Chỉ riêng sân bay Cần Thơ là đã quá thừa rồi!

. Xin cảm ơn ông.

Đường bay Hà Nội-Cần Thơ có thời điểm được đánh giá “có triển vọng”. Cả hai hãng Vietnam Airlines (VNA) lẫn Jetstar Pacific Airlines (JPA) cùng vào khai thác. Tuy nhiên, sau năm tháng, JPA phải tuyên bố dừng vì càng bay càng lỗ. Hiện VNA vẫn giữ lịch bay từ Cần Thơ đi Hà Nội, Phú Quốc nhưng hệ số sử dụng ghế không cao.

Không có hiệu quả kinh tế

Khi dự tính làm sân bay An Giang, việc đầu tiên là phải tính đến hiệu quả kinh tế. Từ sân bay An Giang đến các sân bay Cần Thơ, Rạch Giá khoảng cách đường chim bay chưa đến 100 km thì làm sao khai thác hiệu quả? Hiện nay tất cả sân bay khai thác tuyến nội địa đều lỗ nặng. Ví dụ: Sân bay Cần Thơ nhân sự 150 người, phí quản lý, khai thác, sửa chữa, bảo trì hơn 20 tỉ đồng nhưng số thu vào chỉ khoảng 10 tỉ, nếu tính bình quân hằng tháng lỗ hơn 1 tỉ đồng. Vì vậy, dự kiến mở thêm sân bay An Giang là vô lý. Nếu phát triển hàng không ở đồng bằng sông Cửu Long, không nên đầu tư xây dựng sân bay An Giang mà phải đầu tư nâng cấp sân bay Cần Thơ, Rạch Giá và các tuyến đường bộ dẫn đến các sân bay này.        

Một cán bộ từng làm quản lý sân bay Rạch Giá và sân bay quốc tế Cần Thơ

Q.TRUNG - HÙNG ANH

Q.TRUNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm