Đại sứ Uruguay - Elbio Rosselli, người đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an trong tháng này, nhắc lại rằng hội đồng sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của LHQ bằng việc thử nghiệm một thiết bị nguyên tử.
"Cùng với cam kết và mức độ nghiêm trọng của vi phạm này, các thành viên của Hội đồng Bảo an sẽ bắt đầu thảo luận ngay lập tức các biện pháp như thế trong một nghị quyết mới" - Rosselli cho biết.
Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn sau khi Triều Tiên thông báo vụ thử hạt nhân lần thứ tư. Ảnh: AFP
Vị phái viên không nêu rõ liệu biện pháp mới sẽ mở rộng lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên hay không nhưng các nhà ngoại giao khác khẳng định rằng việc thêm các đối tượng mới vào danh sách trừng phạt đang được xem xét.
Ông nhấn mạnh rằng Triều Tiên đã vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an về việc cấm Bình Nhưỡng tham gia các hoạt động hạt nhân.
Quốc tế đồng loạt lên án
Trung Quốc, đối tác ngoại giao và kinh tế quan trọng nhất của Triều Tiên, đã giữ lập trường "cứng rắn" hơn các nước khác khi nói rằng nước này "kiên quyết phản đối" vụ thử nghiệm và sẽ triệu tập đại sứ của Bình Nhưỡng để yêu cầu "sự giải trình long trọng". Bắc Kinh nói thêm rằng đối thoại là biện pháp thiết thực nhất để giải quyết vấn đề liên quan.
Được biết Trung Quốc là nguồn cung cấp viện trợ và thương mại chủ chốt của Bình Nhưỡng nhưng mối quan hệ hai nước đã trở nên căng thẳng hơn trong những năm gần đây, một phần vì sự kiên quyết của Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân bất chấp quốc tế lên án.
"Chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu phía CHDCND Triều Tiên tiếp tục thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa của nước này và dừng lại bất kỳ hành động nào mà có thể làm tình hình tồi tệ hơn" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu trong cuộc họp báo hôm 6-1.
Kênh truyền hình Yonhap News đưa tin vụ Triều Tiên thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch hôm 6-1. Ảnh: AFP
Tại một cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) hôm 6-1, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nói rằng vụ thử nghiệm là một hành động khiêu khích nghiêm trọng.
"Vụ thử nghiệm không chỉ là một hành động khiêu khích nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của chúng tôi mà còn là một mối đe dọa cho tương lai của chúng tôi... và là một thách thức lớn cho hòa bình cũng như ổn định quốc tế" - bà Park nhấn mạnh và kêu gọi mạnh tay trừng phạt Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chỉ trích vụ thử nghiệm là "một mối đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của quốc gia". "Điều này rõ ràng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và là một thách thức lớn đối với các nỗ lực quốc tế về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân" - ông Abe nói.
Tại Washington, Nhà Trắng tuyên bố sẽ phản ứng một cách thích hợp đối với bất kỳ và tất cả hành động khiêu khích nào của Triều Tiên. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên án vụ thử nghiệm và nói rằng Triều Tiên nên từ bỏ vũ khí hạt nhân. "Vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân được Triều Tiên công bố sẽ làm suy yếu an ninh khu vực và quốc tế và là một sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ" - Stoltenberg cho biết trong một tuyên bố.
Bộ Ngoại giao Nga, nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, lên án vụ thử nghiệm là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và các nghị quyết hiện có của Hội đồng Bảo an LHQ. "Những hành động như vậy có thể làm trầm trọng thêm tình hình trên bán đảo Triều Tiên, nơi có khả năng rất cao xảy ra đối đầu về quân sự và chính trị" - theo Bộ Ngoại giao Nga.
Hiện nay có tổng cộng 20 thực thể và 12 cá nhân nằm trong danh sách đen trừng phạt của LHQ. Đại sứ Anh Matthew Rycroft cho biết phái đoàn của ông đang "làm việc cùng các phái đoàn khác về một nghị quyết liên quan biện pháp trừng phạt bổ sung".