Ngày 2-5, Thông tư 03 về vay ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có hiệu lực. Theo văn bản này, ngân hàng chỉ cho vay USD nếu doanh nghiệp chứng minh có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ. Các doanh nghiệp không có hoặc không đủ nguồn thu ngoại tệ chỉ được phép vay khi có văn bản chính thức của NHNN với từng trường hợp cụ thể.
Tăng tốc vay và cho vay
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng siết cho vay ngoại tệ là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, ngay sau khi NHNN có văn bản thu hẹp đối tượng cho vay ngoại tệ thì hai tuần gần đây, các ngân hàng cho biết doanh nghiệp đi vay ngoại tệ nhiều hơn trước đó. Một số doanh nghiệp cho hay họ lo lắng sắp tới khó vay được USD nên phải tranh thủ vay ngay lúc này. Anh Nguyễn TT, giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu phụ kiện, cho biết: “Công ty tôi phải nhập khẩu một số phụ kiện để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Sợ đến tháng 5 sẽ không được vay USD nên bây giờ chúng tôi làm hồ sơ nhập khẩu một số đơn hàng trước. Cũng may là ngân hàng vẫn cho vay vì chúng tôi đáp ứng đủ các yêu cầu cần thiết”.
Tuy vậy, không phải ai vay trước cũng được. Chị L., phó phòng tín dụng của một ngân hàng lớn, kể: Mới đây, có một doanh nghiệp tới vay USD để mua máy móc. Họ đề nghị làm hợp đồng trước rồi nhận tiền vay sau vì mãi đến tháng 6 mới có nhu cầu nhập máy thực sự. Mặc dù nguồn tiền USD đang dồi dào nhưng ngân hàng đã từ chối cho vay trong trường hợp này.
Các ngân hàng thương mại sẽ cho doanh nghiệp vay nếu có đủ điều kiện. Ảnh: LQN
Theo một lãnh đạo ngân hàng, hầu hết doanh nghiệp có nhu cầu vay USD trong thời gian này đều được cho vay. Ngoài lý do chạy đua với quy định siết vay ngoại tệ, nhiều doanh nghiệp muốn vay USD vì lãi suất USD chỉ 5%-7% trong khi lãi suất VND là 16%-18%. Khoảng cách chênh lệch lãi suất giữa VND/USD rất cao, vì thế doanh nghiệp vay USD có lợi hơn vay VND.
Không vay được sẽ phải mua
Bàn về quy định siết cho vay ngoại tệ, TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng đối tượng được phép vay USD là doanh nghiệp xuất khẩu hoặc xuất-nhập khẩu. Nhưng những doanh nghiệp này thường có sẵn nguồn ngoại tệ, thậm chí họ không cần vay USD ở ngân hàng nhưng vẫn có nguồn ngoại tệ cân đối cho hoạt động sản xuất. Vì vậy, khó khăn lớn nhất ở đây là nhóm doanh nghiệp chỉ nhập khẩu mà không xuất khẩu. Họ thật sự có nhu cầu vay USD để phục vụ sản xuất, kinh doanh nhưng sản phẩm làm ra chỉ bán trong nước nên không chứng minh được là có ngoại tệ để trả. “Nếu không được vay, rất có thể họ sẽ tìm đến các doanh nghiệp có USD để vay. Việc vay tiền không thông qua tổ chức tài chính sẽ khiến họ gặp nhiều rủi ro. Mặt khác, việc này vô hình trung lại hình thành một thị trường cho vay bên ngoài ngân hàng” - ông Thành nói.
Ngược lại, ông Đặng Quốc Tiến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng MB, khẳng định rất khó có chuyện doanh nghiệp này cho doanh nghiệp kia vay USD mà không thông qua ngân hàng vì như thế là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt nặng. “Quy định chỉ hạn chế, các doanh nghiệp có nhu cầu thực sự vẫn có thể vay. Các doanh nghiệp xuất khẩu khi có nguồn ngoại tệ họ sẽ bán cho ngân hàng và ngân hàng sẽ cân đối để cho những doanh nghiệp có nhu cầu thực sự vay USD” - ông Tiến nói.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, tình hình sẽ không có gì căng thẳng. Các doanh nghiệp không thuộc diện vay thì vẫn có thể mua USD. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, doanh nghiệp có quyền đi vay nếu họ đáp ứng đủ các quy định trong Thông tư 07 (24-3-2011) của NHNN. Ngược lại, các ngân hàng thương mại sẽ cho doanh nghiệp vay nếu có đủ điều kiện.
Chỉ vay được tối đa 6-9 tháng Hiện tượng một số doanh nghiệp tranh thủ đi vay trước khi ngân hàng áp dụng Thông tư 03 là có. Tuy nhiên, những trường hợp này chiếm tỉ lệ không đáng kể, chỉ khoảng 5%. Thời hạn cho vay USD thường không quá dài, tối đa chỉ 6-9 tháng, do đó những doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài phải có tính toán khác! Ông ĐẶNG QUỐC TIẾN,Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng MB |
YÊN TRANG