Hôm qua (1-3), Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 đã bế mạc ở khu nghỉ dưỡng Cha-am (Thái Lan). Trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị, các lãnh đạo ASEAN kêu gọi các nước phát triển và đang phát triển tiếp tục phối hợp hành động hơn nữa để khôi phục sự ổn định tài chính; kêu gọi cải cách khẩn cấp hệ thống tài chính quốc tế, đồng thời phải chống chủ nghĩa bảo hộ.
Tại cuộc họp báo sau hội nghị, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cho biết các lãnh đạo ASEAN cam kết tự do thương mại và hợp tác để đối phó với các khó khăn kinh tế. Các nước ASEAN đồng ý thông báo cho nhau về các chính sách kinh tế và giám sát sát sao bất cứ dấu hiệu nào của chủ nghĩa bảo hộ.
Kết thúc hội nghị, các lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Cha-am-Hua hin về Lộ trình cộng đồng ASEAN (2009-2015) nhằm hướng đến một thị trường chung trong khu vực.
Các lãnh đạo ASEAN cũng thông qua sáu văn kiện khác gồm: Kế hoạch tổng thể Cộng đồng an ninh chính trị ASEAN, kế hoạch tổng thể cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN, sáng kiến thứ hai về kế hoạch công tác hội nhập ASEAN, tuyên bố chung về việc đạt các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ở ASEAN, tuyên bố về an ninh thực phẩm ở khu vực ASEAN, tuyên bố về cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu.
Ngoài ra, các nước ASEAN cũng ký thỏa thuận an ninh năng lượng cho phép các nước thành viên mua dầu giá thấp từ nước thành viên có xuất khẩu dầu mỏ trong trường hợp khủng hoảng năng lượng xảy ra.
Chiều ngày 28-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời phỏng vấn Báo The Bangkok Post. Về câu hỏi ASEAN sẽ hợp tác như thế nào để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp để khôi phục lòng tin của thị trường, tăng cường chia sẻ thông tin và kinh nghiệm ứng phó với khủng hoảng và cần đặc biệt chú trọng tới việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các nước thành viên.
LÊ LINH (Theo Bangkok Post, Xinhua, VOV)