Hội nghị cấp cao Đông Á: Thông qua Tuyên bố Phnom Penh

Ngày 20-11, trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN, hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7 đã khai mạc tại Phnom Penh (Campuchia). 10 nước ASEAN và tám đối tác đối thoại (Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Nga) tham dự.

Chương trình nghị sự tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến hòa bình và phát triển của khu vực, định hướng EAS, hợp tác về năng lượng, môi trường, giáo dục, tài chính, quản lý thiên tai và bệnh dịch, kết nối ASEAN.

Theo báo Cambodia Herald (Campuchia), tại hội nghị, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã đề nghị phải xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) với các điều khoản ràng buộc và đáng tin cậy. Tổng thống Obama đã kêu gọi các bên tranh chấp ở biển Đông phải kiềm chế để giảm căng thẳng.

Theo hãng tin Kyodo (Nhật), lãnh đạo 10 nước ASEAN và sáu đối tác đối thoại (Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand) đã ra tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (ASEAN+6) từ đầu năm 2013.

Hội nghị cấp cao Đông Á: Thông qua Tuyên bố Phnom Penh ảnh 1

Sáng 20-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các nước Mỹ, Brunei, Malaysia, Singapore, New Zealand và Úc đã tham dự cuộc họp cấp cao không chính thức Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ảnh: TTXVN

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Phnom Penh với các điểm chính:

- Cam kết thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN để hướng tới thành lập cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015.

- Kêu gọi viện trợ phát triển nhiều hơn cho các nước kém phát triển ở ASEAN.

- Ủng hộ vai trò lãnh đạo của ASEAN trong EAS và các cơ chế hợp tác khu vực.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố EAS về sáng kiến phát triển Đông Á và Tuyên bố EAS về phòng chống sốt rét kháng thuốc.

Cùng ngày, Đối thoại toàn cầu ASEAN lần thứ nhất đã khai mạc với sự tham dự của các lãnh đạo và đại diện của EAS cùng Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á và Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển. Đối thoại toàn cầu ASEAN là sáng kiến của Campuchia nhằm tạo diễn đàn trao đổi và giải quyết các thách thức toàn cầu.

Sau khi hội nghị cấp cao Đông Á bế mạc, Nhà Trắng đã ra tuyên bố hối thúc Trung Quốc và ASEAN hướng đến thiết lập COC nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định. Tuyên bố khẳng định Mỹ có lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, giao thương hợp pháp không bị cản trở và tự do hàng hải ở biển Đông.

Hãng tin CNA (Singapore) đưa tin cùng ngày 20-11, năm nước ASEAN đã đề nghị Campuchia sửa lại dự thảo tuyên bố chủ tịch của hội nghị cấp cao ASEAN vì có những điểm không chính xác về vấn đề biển Đông.

Trong dự thảo tuyên bố chủ tịch có đoạn nói về biển Đông khẳng định ASEAN nhất trí không quốc tế hóa vấn đề biển Đông. Bộ Ngoại giao Singapore khẳng định dự thảo tuyên bố đã dẫn sai ý của các lãnh đạo ASEAN trong thảo luận về biển Đông. Sau bị phản đối, Campuchia đã bỏ đoạn nói về biển Đông khỏi dự thảo.

Theo trang web Chính phủ Việt Nam, ngày 20-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị Đông Á (EAS). Thủ tướng nhấn mạnh EAS cần tích cực phối hợp và bổ sung với các cơ chế khu vực hiện có vì mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực; EAS cần tăng cường hợp tác hơn nữa về an ninh an toàn hàng hải. Thủ tướng đề nghị các nước ủng hộ ASEAN-Trung Quốc thực hiện đầy đủ DOC, Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm DOC, hướng tới COC; ủng hộ ASEAN thực hiện Tuyên bố sáu điểm về biển Đông.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm