Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á: Việt Nam đưa ra bốn nguyên tắc

Ngày 5-6, tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 10 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã phát biểu tại phiên họp chung thứ năm với chủ đề Đối phó với những thách thức mới về an ninh hàng hải.

Bộ trưởng nhận xét mối quan hệ và hợp tác trong khu vực đang tăng trưởng mạnh nhưng cùng lúc đó, những bất đồng, chia rẽ, thậm chí xung đột đã phát sinh. Bộ trưởng đã mời gọi các nước tham gia bốn nguyên tắc như sau:

- Xây dựng hiểu biết chung và đúng đắn về các giá trị, đặc trưng mới, lợi ích cũng như thách thức. Các thách thức an ninh phi truyền thống sẽ xuất hiện bên cạnh các thách thức an ninh truyền thống. Do đó, cần tăng cường hợp tác trong khuôn khổ song phương và đa phương để tìm giải pháp chung.

- Tăng cường cơ sở pháp lý đối với các hoạt động trên biển. Cùng nhau tôn trọng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ khi giải quyết tranh chấp phát sinh. Phải nghiêm chỉnh tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Ở Đông Nam Á, các bên có liên quan cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử về biển Đông.

Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á: Việt Nam đưa ra bốn nguyên tắc ảnh 1

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh phát biểu tại phiên họp chung thứ năm ngày 5-6. Ảnh: TTXVN

- Tiếp tục hợp tác hàng hải thông qua các kênh song phương và đa phương. Hợp tác quốc phòng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, bảo đảm tuyệt đối không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực nhằm gìn giữ hòa bình, ổn định, bảo vệ lao động hòa bình, kinh tế và các hoạt động hàng hải khác.

- Liên quan đến các sự cố trên biển, cần kiên nhẫn, tự kiềm chế và bình tĩnh. Điều này đòi hỏi phải tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế một cách minh bạch.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã nêu ví dụ về tình hình an ninh ở eo biển Malacca, đánh giá cao nỗ lực hợp tác của hải quân các nước Indonesia, Malaysia và Singapore cũng như hỗ trợ chung của hải quân trong và ngoài khu vực.

Bộ trưởng nhận xét hải quân Việt Nam đã và đang tăng cường các hoạt động hợp tác mang lại lợi ích lớn cho an ninh và trật tự trên biển Đông như tuần tra chung, thành lập đường dây nóng với hải quân Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia và trong tương lai sẽ phối hợp tuần tra với Malaysia và Indonesia.

Bài phát biểu của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh có đoạn:

…“Gần đây nhất, vào ngày 26-5-2011, tàu Bình Minh 02 của Việt Nam đang tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam thì bị gián đoạn do cáp khảo sát bị cắt. Sự kiện này đã gây quan ngại đáng kể trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông, trong khu vực cũng như trên thế giới. Việt Nam đã kiên nhẫn trong việc giải quyết sự cố thông qua các biện pháp hòa bình theo quy định luật pháp quốc tế và theo nguyên tắc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trong khi vẫn giữ hòa bình và ổn định ở biển Đông, duy trì quan hệ thân thiện với các nước láng giềng. Dĩ nhiên Việt Nam thực sự không mong đợi sự việc tương tự sẽ tái diễn”.

KHÁNH UYÊN(Theo iiss.org)

Theo báo Inquirer (Philippines), ngày 5-6, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose L. Cuisia tuyên bố sẽ mua vũ khí của Mỹ do tình hình tranh chấp tại biển Đông vẫn căng thẳng. Ông từ chối bình luận kế hoạch mua vũ khí có liên quan đến việc Trung Quốc xâm phạm hải phận Philippines gần đây hay không.

Theo trang web Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 4-6, tại Hội nghị Đối thoại Shangri-la, báo chí đã hỏi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tại sao Mỹ không ngăn chặn hành động khiêu khích của Trung Quốc đối với máy bay và tàu chiến Mỹ. Ông Robert Gates giải thích quân đội Mỹ phải tuân thủ luật pháp quốc tế và Mỹ cần tôn trọng mọi ranh giới quốc tế.

HOÀNG HẠNH - ĐĂNG KHOA

Chúng tôi coi đây là hoạt động bình thường của Quân đội Nhân dân Việt Nam để bảo vệ đất nước và tham gia xây dựng đất nước. Chính sách của Việt Nam là hoàn toàn để tự vệ. Chúng tôi sẽ không bao giờ làm hại đến chủ quyền của nước nào nhưng chúng tôi sẽ phải ngăn chặn bất cứ ai làm hại đến chủ quyền của Việt Nam.

Phát biểu của Bộ trưởng PHÙNG QUANG THANH tại Hội nghị Đối thoại Shangri-La về việc Việt Nam mua sáu tàu ngầm Kilo chạy bằng diesel của Nga theo báo The Straits Times (Singapore) ngày 5-6

Việt Nam luôn khẳng định quan điểm: Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm. Việt Nam luôn theo đuổi chính sách giải quyết căng thẳng bằng đối thoại hòa bình.  Việt Nam và các nước trong khu vực đều mong muốn Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) sẽ sớm được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc vào năm 2012 - vào đúng dịp kỷ niệm 10 năm ngày Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc (năm 2002).

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng,trả lời báo chí tại Đối thoại Shangri-La. (Theo VTV)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm