Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, từ ngày 21 đến ngày 27-9, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) Khóa 79, làm việc tại Mỹ và sau đó thăm cấp Nhà nước tới Cuba.
Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai có một ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ đánh dấu hoạt động đa phương đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mà còn khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả của Việt Nam.
Ý nghĩa của Hội nghị thượng đỉnh Tương lai
Hội nghị thượng đỉnh Tương lai diễn ra từ ngày 22 đến ngày 23-9 tại TP New York (Mỹ) với chủ đề “Giải pháp đa phương vì một tương lai tốt đẹp hơn”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự kiến sẽ phát biểu vào ngày 22-9.
Hội nghị thượng đỉnh Tương lai là một sự kiện cấp cao, quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới tạo sự đồng thuận quốc tế mới nhằm xây dựng cuộc sống hiện tại tốt đẹp hơn và bảo vệ tương lai, theo trang web của LHQ (www.un.org).
Trả lời phỏng vấn TTXVN, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang làm rõ thêm rằng Hội nghị thượng đỉnh Tương lai là dịp để lãnh đạo, nguyên thủ các quốc gia trao đổi và đề xuất các giải pháp nhằm ứng phó với những thách thức toàn cầu, đề ra tầm nhìn chiến lược cho LHQ, định hướng phát triển tương lai vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng, công bằng và bền vững hơn cho nhân loại.
Các nội dung thảo luận và quyết định trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 79 có tác động lâu dài và sâu rộng đối với quan hệ quốc tế, hợp tác toàn cầu và thúc đẩy các mục tiêu chung. Hội nghị thượng đỉnh Tương lai có ý nghĩa lịch sử với chương trình nghị sự tham vọng đề cập tất cả các lĩnh vực hợp tác tại LHQ và có quá trình chuẩn bị kéo dài gần hai năm qua, theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang.
Tổng Thư ký LHQ António Guterres mô tả Hội nghị thượng đỉnh Tương lai là “cơ hội ngàn năm có một để tiếp thêm sinh lực cho hành động toàn cầu, tái cam kết với các nguyên tắc cơ bản và phát triển hơn nữa khuôn khổ của chủ nghĩa đa phương để phù hợp với tương lai”. Ông Guterres nhấn mạnh rằng Hội nghị thượng đỉnh Tương lai “là bước đầu tiên thiết yếu hướng tới việc làm cho các thể chế toàn cầu trở nên hợp pháp hơn, hiệu quả hơn và phù hợp hơn với thế giới hôm nay và ngày mai".
Theo LHQ, mục đích của Hội nghị thượng đỉnh Tương lai gồm: (1) thúc đẩy các nỗ lực để đáp ứng các cam kết quốc tế hiện tại; (2) thực hiện các bước cụ thể để ứng phó với các thách thức và cơ hội mới. Hội nghị thượng đỉnh Tương lai dự kiến sẽ thông qua một “Hiệp ước cho Tương lai” (Pact for the Future).
LHQ cho biết nếu Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris và Chương trình hành động Addis Ababa, cùng nhiều chương trình khác là về "điều gì" trong việc đặt ra mục tiêu và cam kết, thì Hội nghị thượng đỉnh Tương lai sẽ là "cách thức": Làm thế nào chúng ta có thể hợp tác hiệu quả để đạt được các mục tiêu đó và giải quyết các vấn đề cấp bách nhất, đồng thời chuẩn bị cho một tương lai bền vững hơn.
Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tham dự trực tiếp kỳ họp ĐHĐ LHQ và cũng là hoạt động ngoại giao đa phương đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại tổ chức quốc tế toàn cầu LHQ. Hoạt động này tái khẳng định mạnh mẽ ở cấp cao nhất đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả, chia sẻ tầm nhìn và giải pháp của Việt Nam về vai trò của LHQ và các vấn đề lớn của thế giới, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với hợp tác đa phương, các chương trình nghị sự lớn của LHQ và quan hệ toàn diện với LHQ, TTXVN dẫn lời Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang.
Cơ hội để thế giới đi đúng hướng
Theo Tổng Thư ký LHQ, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai “ra đời từ một sự thật phũ phàng là những thách thức quốc tế đang diễn ra nhanh hơn khả năng giải quyết của chúng ta", với các chia rẽ địa chính trị, các cuộc xung đột ngoài tầm kiểm soát, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng cũng như thách thức từ những công nghệ mới nổi, hãng thông tấn Anadolu đưa tin.
Theo LHQ, Hội nghị thượng đỉnh Tương lai đóng vai trò rất quan trọng vì diễn ra trong bối cảnh thế giới không đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu mà các nước đã đặt ra cho chính mình cũng như không thực sự vươn lên để đón nhận những thách thức hoặc cơ hội mới. Cùng lúc đó, tốc độ và mức độ phức tạp của những thách thức đã vượt xa các hệ thống hợp tác và ứng phó hiện nay. Các lợi ích và cơ hội của sự tiến bộ được phân bổ không đồng đều, khiến nhiều người bị bỏ lại phía sau.
Bên cạnh đó, các rủi ro và mối đe dọa cũng được cảm nhận không đồng đều, tác động không cân xứng đến những người dễ bị tổn thương nhất. Tình trạng đói nghèo cùng cực đang diễn ra. Lượng khí thải toàn cầu và tình trạng di cư đang ở mức cao nhất trong lịch sử loài người. Các mối đe dọa như khí hậu, xung đột, an ninh lương thực, vũ khí hủy diệt hàng loạt, đại dịch và khủng hoảng y tế, cũng như các rủi ro liên quan đến công nghệ mới đang gia tăng.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong năm 2024, cuộc khủng hoảng khí hậu tiếp tục gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn cầu với tác động không cân xứng đến các nước phát triển. Khủng hoảng khí hậu là rủi ro toàn cầu lớn nhất trong 10 năm tới và có mối liên hệ sâu sắc với các rủi ro toàn cầu lớn khác về địa chính trị, xã hội và kinh tế, bao gồm xung đột, dịch bệnh và khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, con người có thể thay đổi tiến trình của cuộc khủng hoảng khí hậu. LHQ đã tuyên bố giai đoạn 2024 đến 2033 là Thập niên Khoa học Quốc tế vì Phát triển Bền vững.
Do đó, Hội nghị thượng đỉnh Tương lai là "cơ hội để chúng ta đi đúng hướng hơn", theo LHQ.
Nội dung dự thảo “Hiệp ước cho Tương lai”
Theo nội dung dự thảo “Hiệp ước cho Tương lai” dài 30 trang và hiện đang trong lần sửa đổi thứ tư, các quốc gia cam kết thực hiện 58 hành động cụ thể trong 5 lĩnh vực: thúc đẩy phát triển bền vững và tài trợ cho sự phát triển; thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế; hỗ trợ khoa học, công nghệ và đổi mới kỹ thuật số; chú trọng vấn đề thanh niên và các thế hệ tương lai; và chuyển đổi quản trị toàn cầu.
Dự thảo Hiệp ước cũng ủng hộ Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và cam kết thu hẹp khoảng cách tài chính, tái khẳng định các mục tiêu về khí hậu của Thỏa thuận Paris và cam kết tăng cường nỗ lực chống lại sự nóng lên toàn cầu, mất đa dạng sinh học và suy thoái môi trường.
Ngoài ra, dự thảo Hiệp ước cũng khẳng định nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau và cam kết giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. Dự thảo Hiệp ước cũng thúc đẩy các quốc gia chống khủng bố, bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, cải thiện các trường hợp khẩn cấp nhân đạo, thúc đẩy các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, cũng như duy trì các nghĩa vụ giải trừ quân bị, giảm thiểu rủi ro từ trí tuệ nhân tạo (AI), theo đuổi một thế giới không có vũ khí hạt nhân,...