Đại diện các Câu lạc bộ (CLB) Du thuyền TP.HCM, Phú Quốc và TP Thủ Đức, cùng giới chơi du thuyền bày tỏ mong muốn TP.HCM nên có bến du thuyền xứng tầm để làm sân chơi những người yêu thích sông nước, đi lại bằng tàu thuyền gắn với phát triển kinh tế ven bờ.
Chia sẻ tại lễ ra mắt Công ty Cổ phần hàng hải Thủ Đức, ngày 22-7, đại diện các CLB Du thuyền cho biết giới chơi du thuyền tại TP.HCM và các tỉnh lân cận ngày càng tăng. Song hạ tầng tại TP.HCM chưa đáp ứng, chưa có bến du thuyền xứng tầm để người chơi có không gian giao lưu, phát triển kinh tế, dù miền Đông hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch sông nước, công nghiệp đóng tàu và phát triển kinh tế ven sông, kinh tế đêm.
Không gian kết nối những người đam mê sông nước, qua đó huy động nguồn lực đánh thức tiềm năng kinh tế ven sông. Ảnh: P.ĐIỀN |
Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hàng hải Thủ Đức Nguyễn Kim Sơn, đánh giá với lợi thế sông nước thiên nhiên ban tặng, TP.HCM hội tụ nhiều thuận lợi phát triển mạnh mẽ du lịch sông nước và du thuyền. Tuy nhiên, lợi thế này chưa được phát huy, thậm chí nhiều nhà đầu tư muốn làm đẹp sông nước Sài Gòn, đầu tư bến du thuyền nhưng vướng nhiều thủ tục pháp lý.
“Dân chơi du thuyền hiện chưa có bến neo đậu hợp quy chuẩn nên sắm được thuyền mà như chơi chui”, ông Sơn nêu thực trạng.
Du thuyền buồm sang chảnh lướt sông Sài Gòn. Ảnh: P.ĐIỀN |
Ông Nguyễn Trần Hữu Thắng, Tổng Thư ký CLB Du thuyền TP Thủ Đức, chia sẻ CLB là nơi kết nối hội viên đam mê sông nước, huy động nguồn lực và đánh thức tiềm năng kinh tế ven sông thông qua chương trình kết nối, giao lưu cùng các chuyên gia hàng đầu về du thuyền đến từ châu Âu.
Đại diện Sở Du lịch TP.HCM đánh giá tiềm năng du lịch và những hạn chế của bến neo đậu tàu thuyền. CLIP: P.ĐIỀN |
CLB cũng huy động nguồn lực xây dựng công viên đóng tàu thuyền và du thuyền tại TP Thủ Đức, ứng dụng công nghệ đóng tàu tiên tiến của Hà Lan, lựa chọn sử dụng vật liệu mới phù hợp với xu hướng của thế giới.
Cùng đó, lập dự án quy hoạch mạng lưới giao thông thủy tại TP Thủ Đức, với mục tiêu phát triển kinh tế ven sông thông qua các sản phẩm du lịch trên sông và từng bước phổ biến phong trào taxi nước.
Ông Nguyễn Hữu Ân, Phó phòng Quy hoạch, phát triển Tài nguyên Du lịch Sở Du lịch TP.HCM, cho biết hiện TP có 73/230 cảng, bến nội thủy phục vụ vận tải khách du lịch đang hoạt động.
Ông Ân chỉ ra một số hạn chế tồn tại: Dù nhu cầu thực tế rất lớn, tuy nhiên hệ thống cảng, bến nội thủy tại TP chưa đáp ứng nhu cầu khách du lịch và chưa khai thác hết tiềm năng. Bên cạnh đó, chưa có bến tàu du lịch chuyên dụng, công tác quy hoạch bến thủy nội địa còn chậm.
Đồng thời, để phát triển không gian du lịch sông nước cần chiến dịch đồng bộ làm sạch các con kênh, cùng với tuyên truyền ý thức người dân bảo vệ kênh rạch xanh sạch.
Dự kiến trong năm nay, TP sẽ triển khai ba vị trí neo đậu gồm: Bến Bạch Đằng, khu vực Ba Son và Công viên Bình An.