Luật GDĐH sửa đổi quy định rõ hệ thống cơ sở GDĐH gồm: ĐH và trường ĐH, tiệm cận với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam, khắc phục một số vấn đề bất cập nhưng vẫn đảm bảo ổn định hệ thống để phát triển. Luật cũng làm rõ vấn đề sở hữu; tạo sự bình đẳng giữa cơ sở GDĐH công lập và tư thục, thúc đẩy sự phát triển của cơ sở GDĐH tư thục.
Luật cũng mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ ĐH trong toàn hệ thống, trong đó quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH trong việc xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở GDĐH. Chủ trương tăng cường tự chủ cho các cơ sở GDĐH nhưng vẫn đảm bảo sự kiểm soát hợp lý chất lượng đào tạo, chú trọng quản lý đối với các ngành liên quan đến sức khỏe, đào tạo giáo viên, an ninh, quốc phòng.
Do chưa có nghị định hướng dẫn thi hành Luật GDĐH sửa đổi nên Hội đồng trường ĐH Tôn Đức Thắng vẫn chưa thể thực hiện theo luật mới. Ảnh: TT
Đặc biệt, hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật. Hội đồng trường thực hiện chức năng quản trị trường, quyết định, định hướng phát triển trường, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính… Hiệu trưởng thực hiện chức năng quản lý, điều hành hoạt động của trường theo quy định của pháp luật và theo nghị quyết của hội đồng trường… phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, dù đã chuẩn bị nhưng hai nghị định hướng dẫn thi hành (dự kiến ban hành tháng 5-2019) đến nay vẫn chưa được Chính phủ ban hành.