Hôm nay, hàng ngàn người dân sẽ về Quảng Bình bằng tàu lửa

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 7-10, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết ngành đường sắt sẽ phối hợp cùng Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức bốn chuyến tàu đưa người dân Quảng Bình bị kẹt lại ở TP.HCM cùng các tỉnh phía Nam về quê trong hai ngày 8 và 9-10.

Trước đây, ngành đường sắt từng hỗ trợ các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh,
Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đón người dân về quê. Ảnh: THY NHUNG

Gần 3.000 người dân được đưa về quê

Theo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, đợt vận chuyển người dân về Quảng Bình lần này là đợt vận chuyển, hỗ trợ người dân về quê lớn nhất của ngành đường sắt từ đầu dịch đến nay với số lượng khoảng 2.800 người.

Cụ thể, sáng 8-10, sẽ có hai chuyến tàu xuất phát tại ga Sài Gòn. Chuyến tàu đầu tiên là tàu SE16 xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 8 giờ, đến ga Dĩ An đón người dân và xuất phát tại ga này lúc 9 giờ. Sau đó, tàu sẽ dừng tại ga Biên Hòa và xuất phát lúc 9 giờ 42. Chuyến tàu thứ hai là tàu SE18 xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 10 giờ 40, đến ga Dĩ An đón người dân và xuất phát tại ga này lúc lúc 11 giờ 42, tàu sẽ dừng tại ga Biên Hòa và xuất phát lúc 12 giờ 22.

Tương tự, ngày 9-10, hai chuyến tàu gồm SE16, SE18 cũng xuất phát tại ga Sài Gòn và đến các ga Dĩ An và Biên Hòa để đón người dân vào khung giờ trên. Khi tàu tới địa phận Quảng Bình, người dân sẽ xuống tàu tại các ga Mỹ Đức, Đồng Hới, Hoàn Lão, Minh Lệ và Đồng Lê.

Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết ngành đường sắt đã hỗ trợ được nhiều chuyến tàu đưa người dân về quê nên công tác chuẩn bị đón đợt này cũng không gặp nhiều khó khăn. “Cũng như các chuyến tàu chuyên biệt trước đó, đợt này tỉnh Quảng Bình cũng đón chủ yếu là trẻ nhỏ, bà bầu và người già, chủ yếu là những người yếu thế” - ông Văn cho hay.

Theo ông Văn, sắp tới ngành đường sắt sẽ phối hợp cùng với một số tỉnh khác để thống nhất phương án đưa người dân về quê. “Ngành đường sắt cũng mong muốn được hoạt động trở lại, tuy nhiên một số tỉnh chưa thống nhất nên ngành đường sắt cũng chưa có kế hoạch chạy lại. Không những ngành đường sắt mà nhiều người dân cũng có mong muốn này nhằm giao thương, đi lại, về quê…” - ông Văn nói.

Đón người yếu thế về trước

Ông Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình, Trưởng đoàn phụ trách đón người dân về quê, cho biết đợt đón người dân về quê lần này tỉnh lên kế hoạch đón trước nhóm đối tượng là phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng, học sinh, người già (nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi) đi thăm thân nhân bị kẹt lại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Đối với nhóm người lao động không thuộc nhóm trên thì tùy vào điều kiện, tỉnh sẽ lên kế hoạch sau. Người dân về quê sẽ được cách ly tại xã, phường theo quy định.

“Trong đợt di chuyển từ Quảng Bình vào TP.HCM, chúng tôi đã chứng kiến những đoàn người tự đi xe cá nhân trở về quê, gặp khó khăn. Đó là trách nhiệm của chính quyền nên UBND tỉnh mong muốn là điểm tựa cho những người yếu thế trong xã hội, vì vậy tỉnh đã quyết định đón người dân về quê” - ông Cảnh chia sẻ.

Theo ông Cảnh, đến nay, công tác chuẩn bị đưa người dân về quê vẫn còn gặp khó khăn như việc tiếp cận thông tin của người dân, xin cấp giấy đi đường… Cụ thể, dù đã có công văn đề nghị các tỉnh, TP hỗ trợ đưa người dân về quê nhưng đến chiều 7-10 tại tỉnh Đồng Nai, nhiều người dân vẫn gặp khó trong việc lấy giấy đi đường, thực hiện công việc khác để được lên tàu về quê. “Chúng tôi rất mong các tỉnh hỗ trợ, phối hợp để đưa con em Quảng Bình, đặc biệt là những người yếu thế sớm trở về quê hương” - ông Cảnh nói.

 Ông Cảnh cho biết trước đó tỉnh cũng đã đón một đợt người dân từ Đà Nẵng và từ TP.HCM về quê bằng máy bay.•

Ngành đường sắt chưa thể hoạt động lại theo kế hoạch

Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vừa dự thảo kế hoạch tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 gửi tới UBND 22 tỉnh, TP và Tổng công ty ĐSVN. Cục ĐSVN đề xuất kế hoạch khai thác trở lại nhiều đoàn tàu chở khách.

Cụ thể, tuyến Hà Nội - TP.HCM chạy lại tàu khách theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 7 đến 17-10, dự kiến chạy lại đôi tàu SE7, SE8; từ ngày 8-10, dự kiến chạy lại đôi tàu SE5, SE6. Giai đoạn 2, từ ngày 18-10, dự kiến chạy lại đôi tàu SE3, SE4.

Tuyến Hà Nội - Vinh, dự kiến chạy lại đôi tàu NA1, NA2 từ ngày 8-10.

Tuyến Hà Nội - Hải Phòng, dự kiến chạy lại đôi tàu LP5, LP6 từ ngày 8-10; chạy lại đôi tàu LP3, LP8 từ ngày 18-10; chạy lại đôi tàu HP2, LP7 vào các ngày cuối tuần từ ngày 18-10.

Tuyến Đà Nẵng - TP.HCM, dự kiến chạy lại đôi tàu SE21, SE22 từ ngày 15-10; chạy thêm các đoàn tàu chuyên biệt chở công dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê khi các địa phương có đề nghị.

Tuyến Nha Trang - TP.HCM, dự kiến chạy lại đôi tàu SNT1, SNT2 từ ngày 1-11.

Tuyến Phan Thiết - TP.HCM, dự kiến chạy lại đôi tàu SPT1, SPT2 từ ngày 1-11.

Với các đoàn tàu chạy trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, Cục ĐSVN đề xuất được dừng đón, trả khách tại 39 ga trên tuyến. Các đoàn tàu chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng dừng đón, trả khách tại tám ga trên tuyến. Tuy nhiên, Cục ĐSVN cho biết tính đến nay vẫn chưa có sự nhất quán, thống nhất giữa các tỉnh, TP nên ngành đường sắt vẫn chưa thể hoạt động lại. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm