Với quan điểm một đồng vốn đầu tư cho “đầu tàu TP.HCM” sẽ kéo cả nước phát triển theo, Chính phủ đã đề xuất cho TP.HCM được thực hiện hàng loạt cơ chế đặc thù để tạo động lực phát triển, xứng đáng với đầu tàu kinh tế của cả nước.
Đề xuất bốn nhóm cơ chế đặc thù
Theo tờ trình dự thảo nghị quyết, Chính phủ đã đề xuất cho TP.HCM được thực hiện bốn nhóm cơ chế đặc thù (gồm đất đai; đầu tư; ngân sách, tài chính; phân cấp, phân quyền, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức…) để bứt phá. Cụ thể:
Về quản lý đất đai: TP.HCM được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên nhưng phải đảm bảo diện tích đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ trong mỗi kỳ kế hoạch sử dụng đất.
Về tài chính-ngân sách: TP.HCM được đề xuất thực hiện thí điểm xây dựng thực hiện chính sách thuế tài sản; tăng mức thuế suất cao hơn so với quy định hiện hành (trừ thuế xuất nhập khẩu); ban hành mức phí, lệ phí chưa có trong quy định hiện hành và được tăng mức phí, lệ phí đã có quy định; được vay vốn qua phát hành trái phiếu, vay từ các tổ chức tài chính trong nước và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho TP vay lại với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp. cùng đó là được hưởng 50% tiền bán trụ sở các bộ, ngành trên địa bàn TP để đầu tư phát triển; được sử dụng số tiền cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước do UBND TP quản lý để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội…
Về đầu tư: TP.HCM được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của TP theo quy định của Luật Đầu tư công (trừ dự án quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 8 Luật Đầu tư công).
Về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức: TP.HCM được ủy quyền, quy định về cơ chế phân cấp, phân quyền cho cấp dưới thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn; được điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP được tự quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức của TP.
Nhiều ủng hộ cho TP.HCM
Tại phiên thảo luận tổ của QH ngày 14-11 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, nhiều đại biểu (ĐB) QH đã ủng hộ cần cho TP.HCM thực hiện các cơ chế “vượt khung” để bứt phá.
Về tăng thu nhập cho cán bộ, công chức: Các ĐBQH cho rằng đang có tình trạng “chảy máu chất xám” ở các cơ quan nhà nước, ở TP.HCM thì đội ngũ càng có nhiều người không sống nổi với mức thu nhập hiện tại vì chi phí đắt đỏ. Do đó, các ĐBQH đồng ý nên cho TP.HCM được tự chủ việc tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.
Có ĐB đề nghị cho TP.HCM được tự chủ mạnh hơn trong việc tuyển dụng cán bộ, thu hút nhân tài, thậm chí cho phép thí điểm cán bộ, công chức được làm việc tại nhà để tiết giảm chi phí. cũng có ý kiến cho rằng TP nên bổ sung mức thu nhập tăng thêm (khoản tăng thêm so với mức lương cơ bản) theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc, còn mức lương cơ bản giữ nguyên như chính sách chung của cả nước.
Về tăng mức thu một số loại thuế, phí và thí điểm thuế tài sản, thu một số loại phí mới, các ĐBQH đề nghị chỉ lựa chọn một số loại thuế, phí mà TP đang phải chịu gánh nặng như thuế bảo vệ môi trường, xả rác; thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia, mỹ phẩm xa xỉ…
Một số ĐB cũng băn khoăn về việc Chính phủ đề nghị cho TP được sử dụng tiền thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (do UBND TP quản lý) để phát triển nhưng lại thu lại 18.800 tỉ đồng từ các dự án chống ngập và hai dự án bệnh viện tuyến cuối (đã được nêu trong kế hoạch đầu tư công trung hạn). Theo đó, các ĐBQH đề nghị “không nên hẹp hòi” với TP về khoản tiền này và nên phân bổ cho TP khoản tiền này để triển khai các dự án trên theo kế hoạch.