Hôm nay sẽ công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Chiều 24-10, Quốc hội (QH) đã thông qua danh sách 48 người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử với tỉ lệ 100% số đại biểu (ĐB) có mặt tán thành.

Theo nghị trình, sáng nay (25-10), Trưởng ban Công tác ĐB Trần Văn Túy sẽ trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn về nội dung này. Sau đó, QH sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín theo ba mức: “Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm”, “Tín nhiệm thấp”.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố vào chiều cùng ngày. Kế đó, QH sẽ thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn.

Trước đó, Trưởng ban Công tác ĐB Trần Văn Túy đã trình bày tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm để QH thông qua.

Căn cứ vào Điều 12 Luật Tổ chức QH và Điều 18 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn.

Trong ngày 25-10, Quốc hội bỏ phiếu, kiểm phiếu và công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH, ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của QH; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Tuy nhiên, trong số những người giữ các chức vụ thuộc diện QH lấy phiếu tín nhiệm lần này có hai chức danh vừa được QH bầu và phê chuẩn là Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Ông Túy dẫn quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị quyết số 85/2014/QH13: “QH không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ chín tháng, tính đến ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của QH” và cho biết Ủy ban Thường vụ QH xin trình danh sách 48 người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XIV.

Trong số này, khối Chủ tịch nước có một người, khối QH có 18 người, khối Chính phủ có 26 người cùng với Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Ngay sau khi thông qua danh sách nói trên, các ĐBQH tiến hành thảo luận ở đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.

Trước đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Túy cho hay QH đã hai lần lấy phiếu tín tín nhiệm vào năm 2013 và năm 2014 theo Nghị quyết 35/2012/QH13.

Theo ông Túy, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm nhằm tăng cường hiệu quả giám sát của QH, đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Kết quả đánh giá tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu có cơ hội nhìn nhận lại chính mình, xem mình đã làm được gì, chưa làm được gì để có phương hướng phát huy kết quả đạt được; khắc phục, sửa chữa những hạn chế, tồn tại.

“Ngoài ra, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ một cách hiệu quả. Kết quả tín nhiệm thấp cũng là cơ sở để người được lấy phiếu có văn hóa ứng xử phù hợp, có thể tự nguyện từ chức hoặc thay đổi vị trí công tác phù hợp” - ông Túy nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm