Hôm nay (24-3), TAND Cấp cao tại TP.HCM mở lại phiên tòa phúc thẩm vụ ông Châu Lê Anh Hào (phóng viên báoPháp Luật TP.HCM) kiện ông Nguyễn Việt Thanh - Chánh Thanh tra Sở TT&TT TP Cần Thơ.
Phiên tòa được mở do có kháng cáo của ông Hào đối với bản án ngày 31-5-2022 của TAND TP Cần Thơ. HĐXX phúc thẩm gồm ba thẩm phán, do ông Phan Đức Phương làm chủ tọa.
Ông Châu Lê Anh Hào sau phiên tòa phúc thẩm bị hoãn vào ngày 9-1. Ảnh: HOA THI |
Trước đó, phiên tòa đã ba lần bị hoãn vì nhiều lý do khác nhau. Tại phiên tòa gần nhất vào ngày 9-1, người bị kiện cung cấp thêm hai tài liệu mới nhưng không đúng quy định và người khởi kiện cũng chưa được tiếp cận các tài liệu này. Do đó, HĐXX không có đủ thời gian để thẩm định, xem xét nên đã hoãn phiên tòa.
Theo tìm hiểu của PV, chứng cứ mới mà phía ông Thanh cung cấp tại phiên tòa ngày 9-1 là quyết định về việc thẩm định thông tin phục vụ công tác quản lý Nhà nước do Giám đốc Sở TT&TT TP Cần Thơ ký ngày 3-1.
Kèm theo quyết định nêu trên là kết quả thẩm định các thông tin mà ông Hào đăng tải, chia sẻ trên trang facebook cá nhân…
Nhận định về vụ án, luật sư (LS) Nguyễn Quốc Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng căn cứ vào các Điều 83, Điều 219 Luật Tố tụng hành chính (LTTHC) năm 2015 (LTTHC) thì đương sự có quyền bổ sung chứng cứ mới trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm.
Ở vụ án này, ông Hào kiện yêu cầu tòa tuyên hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) ngày 22-7-2021 của Chánh thanh tra Sở TT&TT TP Cần Thơ đối với ông (phạt 7,5 triệu đồng) liên quan đến việc ông chia sẻ link các tin, bài báo kèm vài lời giới thiệu.
Tại quyết định xử phạt, Chánh Thanh tra Sở không căn cứ vào kết quả của Hội đồng thẩm định về hành vi VPHC mà chỉ căn cứ vào Biên bản XPHC.
Việc người bị kiện tiến hành lập Hội đồng thẩm định để xác định hành vi VPHC sau khi ban hành quyết định xử phạt VPHC và sau khi có bản án của cấp sơ thẩm (TAND TP Cần Thơ) khiến dư luận đặt câu hỏi cơ sở nào để Chánh Thanh tra Sở xác định hành vi của ông Hào là vi phạm như đã nêu trong quyết định xử phạt trên.
“Do đó, để đảm bảo đúng trình tự, khách quan và tránh trường hợp áp đặt, quy chụp khi ban hành quyết định xử phạt VPHC thì Sở cần thực hiện việc thẩm định trước mặc dù việc này luật không bắt buộc. Việc người bị kiện cung cấp thêm chứng cứ mới tại phiên toà phúc thẩm chỉ là một nguồn chứng cứ để HĐXX tham khảo” - LS Cường nêu quan điểm.
Đồng tình, ThS-LS Nguyễn Văn Dũ (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng như Nghị định 15/2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022; quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông…) thì việc giám định hay thẩm định hành vi VPHC là thủ tục không bắt buộc trước khi chủ thể có thẩm quyền ban hành quyết định VPHC.
Nói cách khác, không phải mọi trường hợp trước khi xử phạt hành chính đều phải trưng cầu giám định mà luật cho phép chủ thể xử phạt có quyền trưng cầu hoặc không trưng cầu giám định.
Tuy nhiên, theo ThS-LS Dũ, kết quả thẩm định trong trường hợp này không đủ điều kiện được xem là chứng cứ theo quy định tại Điều 80 LTTHC.
Bởi lẽ, hoạt động thẩm định và kết quả thẩm định do cơ quan của người bị kiện (cụ thể ở đây là Sở TT&TT TP Cần Thơ) tự thực hiện, không bảo đảm thuộc tính khách quan, không được thực hiện theo trình tự, thủ tục giám định tư pháp và chưa có cơ sở pháp lý quy định về hoạt động thẩm định này.
“Song, tòa án có thể xem kết quả thẩm định này là tài liệu tham khảo trong quá trình giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm”, ThS-LS Dũ nói.