Hôm qua, 22-5: Hơn 97% cử tri đã đi bầu

Sáng 22-5, hơn 62 triệu cử tri cả nước đã bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp.

Các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân ngay trong giờ đầu khai mạc tại một số địa phương. Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng bầu cử tại Hà Nội; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang bỏ phiếu bầu tại TP.HCM; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thực hiện bầu cử tại Hải Phòng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp diễn ra cùng một thời điểm. “Tôi tin tưởng rằng QH khóa XIII sẽ làm tròn trách nhiệm mà nhân dân gửi gắm như phải thực hiện tốt quyền lập pháp, quyền giám sát tối cao, quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước…”.

Cùng ngày, tại BV Quân y 108, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện quyền bầu cử tại điểm bỏ phiếu thuộc phường Bạch Đằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Hôm qua, 22-5: Hơn 97% cử tri đã đi bầu ảnh 1

Thùng phiếu phụ được mang đến tận giường bệnh. (Ảnh chụp tại BV Chợ rẫy) Ảnh: DUY TÍNH

Nôn nóng bỏ phiếu từ sớm

Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Hai (89 tuổi, ấp Tân Thới 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM) có mặt tại điểm bỏ phiếu lúc 6 giờ 30. Lo ngại sức khỏe nên con cháu năn nỉ mẹ ở nhà, sẽ có người mang thùng phiếu phụ tới nhưng mẹ không chịu: “Mẹ còn khỏe, tự đi bầu được thì cứ đi”. Đúng giờ bỏ phiếu, mẹ Hai được vinh dự bỏ phiếu bầu đầu tiên tại điểm này.

Tại khu vực bỏ phiếu số 30, phường 7, quận 3, cử tri Ngô Thị Huệ (93 tuổi, 75 tuổi Đảng), vợ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và là một trong những đại biểu Quốc hội khóa I, nhắn nhủ: “Tôi hy vọng các đại biểu Quốc hội khóa XIII cố gắng phản ánh được nguyện vọng của dân, làm sao cuộc sống người dân luôn yên bình. Tôi cũng mong các đại biểu phải gần dân hơn, nghe dân và nói tiếng nói của dân. Các đại biểu phải chống tiêu cực, đưa đất nước đi lên. Đặc biệt, hứa thì phải làm, làm cho đến nơi, đến chốn”.

9 giờ 30, tổ bầu cử số 078 của phường 17, quận Bình Thạnh đã mang thùng phiếu di động tới phục vụ 75 cử tri già yếu tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè. Hầu hết các cụ đều tham gia bỏ phiếu, trong đó, có một cụ ông mới 5 giờ 30 sáng đã yêu cầu được bỏ phiếu. Một số cụ thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới kỳ bầu cử lần này bằng cách ghi sẵn ra giấy tên những người mình sẽ bầu. Chẳng hạn, cụ bà Phạm Thị Lương (quê Hà Nội) năm nay đã 92 tuổi, sau khi nhận được phiếu bầu, có người định giúp cụ Lương thực hiện việc bầu cử nhưng cụ bà bảo tự làm được. Sau đó, cụ Lương móc từ trong túi áo ra hai mảnh giấy nhỏ có ghi tên của các ứng cử viên mà cụ đã lựa chọn. Cụ Lương vui vẻ kể: “Tôi từng tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội từ khóa đầu tiên năm 1946”.

Cũng tại trung tâm này, gần chục cử tri do không đi lại được nên tổ bầu cử đã mang thùng phiếu tới tận phòng ở để các cử tri được thực hiện quyền công dân. Có trường hợp bị lãng tai nên tổ bầu cử phải cử người nói to, dùng ký hiệu bằng tay để giải thích một số quy định về gạch tên trên phiếu bầu.

Hôm qua, 22-5: Hơn 97% cử tri đã đi bầu ảnh 2

Các cử tri là học viên trường ĐH An ninh Nhân dân bỏ phiếu bầu cử. Ảnh: ĐÌNH VÂN

Đưa thùng phiếu đến tận tay cử tri

6 giờ 45 ngày 22-5, hàng chục bệnh nhân đã tập trung tại khu vực bỏ phiếu BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM). Sau đó, bầu cử tại BV Nhân dân Gia định đưa thùng phiếu di động sang BV Ung bướu. Do đa số là bệnh nhân lớn tuổi, mắt kém nên các thành viên tổ bầu cử đã đọc lý lịch, thành tích các ứng cử viên để cử tri lựa chọn.

Tổ bầu cử phường 12, quận 5 cũng đã mang thùng phiếu di động đến BV Chợ Rẫy. Thùng phiếu được các thành viên tổ bầu cử đưa tận đến giường bệnh cho bệnh nhân không thể đi được.

Tại Trường ĐH An ninh nhân dân, đúng 7 giờ, những lá phiếu đầu tiên được bỏ vào thùng. Đến 11 giờ 30, 100% cử tri của Trường ĐH An ninh nhân dân đã bỏ phiếu xong.

Ở trung tâm xã đảo Thạnh An (Cần giờ, TP.HCM), 7 giờ sáng, điểm bầu cử số 1 nằm trong khuôn viên trường mầm non của xã tập trung khá đông cử tri. Chị Nguyễn Ngọc Như, thành viên tổ công tác bầu cử, cho biết: “Nhiều người dân xã đảo không biết chữ nên chúng tôi phải cử người đọc tiểu sử từng ứng cử viên để người dân chọn lựa. Bà con lựa chọn rất kỹ lưỡng, yêu cầu chúng tôi phải đọc nhiều lần trước khi bỏ phiếu chọn người đủ đức, đủ tài”.

9 giờ sáng, phóng viên đi canô ra ấp đảo Thiềng Liềng, điểm bầu cử số 5 của xã đảo Thạnh An, điểm bầu cử xa nhất của TP.HCM. Để tổ chức điểm bầu cử tại Thiềng Liềng, xã Thạnh An phải điều phương tiện và người ra đảo từ hôm trước để tránh thủy triều lên. Thiềng Liềng có 536 cử tri, sinh sống rải rác quanh các ốc đảo nhỏ nên việc đi bầu cử gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc bầu cử vẫn hoàn thành. Ông Võ Hoàng Phúc, tổ trưởng tổ bầu cử số 5, đối với các ngư dân đánh cá xa bờ, tổ bầu cử đã thông báo ngày bầu cử từ một tháng trước nên một số người đã trở về sớm hơn dự định. 13 giờ trưa, trời đổ mưa tầm tã nhưng nhiều cử tri ngư dân vẫn đến điểm bỏ phiếu. Đến 19 giờ, ông Võ Hoàng Kiệt, Chủ tịch UBND xã Thạnh An, cho biết công tác bầu cử ở Thạnh An diễn ra suôn sẻ và thành công với tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 100%.

Tuyên truyền đến giờ “G”

Từ mờ sáng, tại TP Đà Nẵng, lãnh đạo phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) đã chuẩn bị tàu thuyền, thùng phiếu và huy động cán bộ đi đường biển ra làng Vân. Nơi đây có 135 hộ dân là những bệnh nhân mắc bệnh phong sống cách biệt, là địa điểm bỏ phiếu xa nhất Đà Nẵng. Làng Vân có 217 cử tri và hoàn thành 100% việc bỏ phiếu bầu.

Ủy ban Bầu cử phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn (Bình Định) đã mang thùng phiếu đến các khoa phòng của BV Phong-Da liễu trung ương Quy Hòa. Trong đó, gần 300 bệnh nhân bị tàn phế nặng đã được tổ bầu cử mang thùng phiếu đến tận giường bệnh để các cử tri trực tiếp bỏ phiếu.

6 giờ sáng, đông đảo bà con Phật tử là người dân tộc Khmer tề tựu tại sân chùa Bô Tum Vong Sây (thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) để chờ nhau cùng đi bỏ phiếu. Sư cả Thạch Sa Ral, trụ trì chùa Bô Tum Vong Sây, tranh thủ dặn dò bà con những thủ tục cần thiết khi đi bỏ phiếu. “Cách nay 2-3 tháng, nhà chùa thông qua các sinh hoạt với bà con Phật tử đã phối hợp cùng ủy ban bầu cử của địa phương tuyên truyền, phổ biến và giải thích cặn kẽ cho bà con về bầu cử, hẹn bà con cùng tập trung tại chùa để đi bầu cử chung một lượt, tranh thủ bỏ phiếu sớm”. Không riêng gì chùa Bô Tum Vong Sây, mà 14 chùa Phật giáo Nam Tông Khmer trên địa bàn Hậu Giang, trong đó chủ yếu là ở các huyện tập trung đồng bào Khmer như Long Mỹ, Vị Thủy... đều lồng ghép tuyên truyền về cuộc bầu cử tới các Phật tử.

Tính đến 17 giờ chiều ngày 22-5, tất cả địa phương trên cả nước đều có tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên 90%.

NHÓM PHÓNG VIÊN – CTV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm