Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội, tình hình xử lý nợ xấu năm nay của các ngân hàng thương mại đang hết sức tốt. Thậm chí, nợ xấu mới phát sinh thấp hơn rất nhiều so với nợ xấu đã xử lý.
Theo đó, tính đến hết tháng 10-2019, nợ xấu của toàn hệ thống chỉ là 2,2%, nếu trừ đi nợ xấu của ba ngân hàng 0 đồng thì nợ xấu chỉ còn 1,5%. Đây là con số khá tích cực mà nhiều năm qua chưa thể đạt được.
"Riêng các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn TP.HCM có hơn 100 chi nhánh thì tài sản có sinh lời, tức là không có nợ xấu" - ông Minh cho biết.
Theo số liệu công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 30-9-2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đạt hơn 12 triệu tỉ đồng tài sản có tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu trên 12% và tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đạt 27.34%.
Trong một báo cáo vĩ mô mới phát hành của Công ty chứng khoán Bảo Việt cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng có biến động khá mạnh trong tháng 11. Lãi suất liên ngân hàng trong hai tuần đầu tháng 11, lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp, dưới 2%/năm ở tất cả kỳ hạn dưới 1 tháng.
Tuy nhiên, trong hai tuần cuối tháng 11, lãi suất liên ngân hàng đã bật tăng mạnh, cao nhất lên mức 4,5%/năm trong phiên ngày 26-11-2019 trước khi hạ nhiệt về quanh mức 3,5%/năm trong các phiên gần đây.
Theo Bảo Việt, việc thanh khoản hệ thống trở nên eo hẹp, biểu hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức cao có thể xuất phát từ một số nguyên nhân như: quyết định giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới sáu tháng của NHNN; yếu tố mùa vụ cuối năm; giải ngân vốn đầu tư công cải thiện và đặc biệt là chủ trương rút tiền gửi KBNN gửi tại hệ thống NHTM trước đây về tài khoản tổng của NHNN theo Thông tư 58/2019/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1-11-2019.
Do thanh khoản thiếu hụt, NHNN đã tăng cường bơm ròng vốn qua nghiệp vụ thị trường mở. Trong tuần cuối tháng 11, NHNN đã bơm ròng 66.000 tỉ đồng ra thị trường.