Theo đó, cơ quan này công bố lộ trình để từng bước siết chặt tỉ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung và dài hạn.
Cụ thể, từ ngày 1-1 đến hết tháng 9-2010, tỉ lệ vốn ngắn hạn được dùng cho vay dài hạn là 40%; từ tháng 10-2020 đến hết tháng 9-2021, tỉ lệ này còn là 37%; từ tháng 10-2021 đến hết tháng 9-2022 là 34% và từ tháng 10-2022 giảm xuống còn 30%. “Mục tiêu nhằm tăng cường an toàn trong hoạt động ngân hàng” - NHNN lý giải.
Đáng chú ý, bên cạnh việc giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, NHNN còn siết mạnh cho vay bất động sản, áp dụng từ năm 2020. Theo đó, tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200% so với hiện nay. Đặc biệt các khoản phải đòi được đảm bảo toàn bộ bằng nhà ở bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai; quyền sử dụng đất; công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và đáp ứng một trong các điều kiện sau sẽ có hệ số rủi ro 50%.
Đối với các khoản phải đòi khác như đối với cá nhân phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận cho vay, mức cho vay tại các hợp đồng tín dụng của khách hàng đó từ 4 tỉ đồng trở lên sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50% sẽ bị áp hệ số rủi ro 120%, có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 đến hết 31-12-2020; sau đó sẽ nâng lên 150% kể từ ngày 1-1-2021.
Thông tư trên cũng nêu rõ: Tỉ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 85% đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Một số chuyên gia cho rằng quy định mới sẽ giúp thanh lọc những chủ đầu tư năng lực tài chính yếu kém, chỉ dựa vào vốn ngân hàng, có thể gây rủi ro cho thị trường. Song nếu siết quá chặt vốn vào lĩnh vực này có thể làm giảm nguồn cung dự án bất động sản, đẩy giá sản phẩm tăng cao.