Hơn 1.000 học sinh tham gia dự án ‘Dấu ấn rồng bay’

Hơn 1.000 học sinh tham gia dự án ‘Dấu ấn rồng bay’

(PLO)- Dự án “Dấu ấn rồng bay” thu hút hơn 1.000 học sinh (HS) Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 tham gia với hơn 500 sản phẩm đa dạng, độc đáo.

Sáng 23-3, Trường THPT Lê Quý Đôn tổ chức buổi báo cáo dự án “Dấu ấn rồng bay”. Đây là dự án học tập liên môn (Toán, Lịch sử, Văn học, Địa lý, Sinh học, Hoá học, Ngoại ngữ).

"Dấu ấn rồng bay" giúp HS tiếp cận và tìm hiểu các di sản thiên nhiên, các di tích lịch sử và sự phát triển của trung tâm Bắc Bộ như Hà Nội - Quảng Ninh và Ninh Bình.

Trong quá trình thực hiện, các em đã có chuyến đi ngoại khoá “hành trình di sản” vào tháng 12-2023 để tiếp cận thực tế các di sản ở ba vùng đất.

'Dấu ấn rồng bay'
HS tham quan các sản phẩm tại buổi báo cáo dự án "Dấu ấn rồng bay"

Tại buổi báo cáo, nhiều người ấn tượng với số lượng sản phẩm của HS khi triển khai dự án.

Các sản phẩm từ mô hình Tràng An, Vịnh Hạ Long, hang đá cho đến hội chợ làng nghề, hội chợ di sản đều cho thấy sự công phu khi thực hiện.

Đặc biệt, người xem "mãn nhãn" trước bộ sưu tập thời trang thân thiện với môi trường do học sinh thiết kế. Tất cả đã cho thấy sự sáng tạo của học trò.

Vũ Đoàn Minh Nhật, lớp 10 A1 cùng các bạn khá tâm đắc với mô hình Vịnh Hạ Long do nhóm thiết kế từ những vật tái chế.

Từ chuyến ngoại khoá “Hành trình di sản”, Minh Nhật và các bạn đã được tận mắt ngắm nhìn Vịnh Hạ Long. Vì thế, khi được yêu cầu làm gian hàng quảng bá, do đã có trải nghiệm thực tế nên nhóm cũng không gặp nhiều khó khăn.

'Dấu ấn rồng bay'
Vũ Đoàn Minh Nhật (bìa trái) cùng bạn bên gian hàng về mô hình thiết kế Vịnh Hạ Long

“Việc học qua dự án với những trải nghiệm thực tế giúp em ghi nhớ kiến thức. Trước đây, em không quan tâm đến danh lam thắng cảnh. Nhưng khi tham gia dự án, em đã bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu và nhận ra những vẻ đẹp tiềm ẩn từ thiên nhiên” - Nhật bày tỏ.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ bộ môn Lịch sử cho hay "Dấu ấn rồng bay" được thực hiện trên quy mô toàn trường, có sự kết hợp giữa các bộ môn khối tự nhiên và xã hội. Mục đích để học sinh thấy được sự kết hợp hài hoà giữa kiến thức xã hội và tự nhiên.

Dự án được thực hiện khi các em đã có chuyến thực tập ngoại khoá. Điều đó giúp các em "chạm" đến những di sản.

'Dấu ấn rồng bay'
Mô hình Tràng An do HS tự thiết kế thu hút nhiều người đến tìm hiểu

“Phương pháp dạy học qua dự án được đề cập nhiều trong các đợt tập huấn nhưng khi trải nghiệm thực tế giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Dự án đi đến ngày hôm nay chứng tỏ giáo viên đã trở nên quen thuộc và thành thục với phương pháp trên từ việc lên kế hoạch, triển khai cho đến đánh giá sản phẩm" - thầy Du nói

Theo thầy Du, số lượng sản phẩm đồ sộ và rất chất lượng cho thấy dạy học qua dự án gây sự hứng thú đối với học sinh. Phương pháp này không chỉ đánh giá sự tiếp thu kiến thức bằng việc học thuộc mà giúp các em phát huy được từng kỹ năng.

Bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết dự án mang đến nhiều dấu ấn.

Cụ thể, "Dấu ấn rồng bay" quy tụ hơn 1.000 HS tham gia. Dự án được thực hiện trong hơn 100 ngày và có hơn 500 sản phẩm ở tất cả bảy môn học.

"Các sản phẩm thể hiện sự sáng tạo và một tinh thần đoàn kết và kiên trì của học sinh cũng như giáo viên. Đó chính là thành công" - bà Tâm nói thêm.

Một số hình ảnh tại buổi báo cáo:

'Dấu ấn rồng bay'
Bộ trang phục từ vật liệu tái chế do HS thiết kế
dau-an-rong-bay-6.jpg
Nhiều người trầm trồ trước phần trình diễn thời trang tái chế do HS thể hiện
dau-an-rong-bay-7.jpg
Các bộ trang phục thể hiện sự sáng tạo của HS
dau-an-rong-bay-8.jpg
Gian hàng thiết kế mô hình Tràng An của HS lớp 10
dau-an-rong-bay-2.jpg
Mô hình hang động núi đá vôi do HS thiết kế
dau-an-rong-bay-5.jpg
Học sinh tìm đến trải nghiệm gian hàng múa rối nước
dau-an-rong-bay-4.jpg
Những làng nghề truyền thống như làm hương cũng gây hứng thú đối với HS

Đọc thêm