Buổi báo cáo dự án văn học “Có một Thủ Đức trong tôi” của học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân vừa diễn ra khiến nhiều người bất ngờ trước số lượng sản phẩm thu hoạch.
Choáng ngợp trước số lượng sản phẩm đồ sộ
Dự án được thực hiện tại nhiều đơn vị lớp. Số lượng sản phẩm các bạn thực hiện trong hơn một tháng là khá đồ sộ. Bao gồm 45 poster về ý tưởng phát triển TP Thủ Đức, hai tập san, một cẩm nang, năm mô hình về các công trình kiến trúc nổi tiếng, một trang web, năm bức tranh vẽ về công trình thủ đức và 36 bài cảm nhận về TP thủ đức....
Năm mô hình công trình kiến trúc tiêu biểu trên địa bàn TP Thủ Đức được các em tái hiện gồm cầu Thủ Thiêm, chùa Một Cột, đền tưởng niệm Bến Nọc, chợ Thủ Đức, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân.
Nhóm của em Lưu Nguyễn Khánh Linh, lớp 12 chuyên Lý chọn tái hiện lại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân bằng mô hình.
Theo Khánh Linh, ban đầu nhóm dự định làm mô hình về chợ Thủ Đức. Tuy nhiên, có một nhóm khác đã thực hiện. Vì thế nhóm quyết định làm mô hình về Trường THPT Nguyễn Hữu Huân vì sự gần gũi, thân thuộc. Bởi học sinh nào cũng sẽ có tình cảm đặc biệt đối với ngôi trường mình đang theo học.
Kết quả, nhóm Khánh Linh mất 2 tuần để tìm hiểu và hoàn thiện mô hình.
“Ba năm học tại trường, em vẫn nghĩ mọi thứ ở đây đã quá quen thuộc. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện mô hình, em nhận ra có nhiều thứ khá mới mẻ. Em phải dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu, từng ngóc ngách với mục đích dựng mô hình sát với thực tế nhất có thể" - Linh nói.
Qua việc thực hiện dự án, theo Linh, môn văn khá nhẹ nhàng. Trong quá trình làm mô hình, chúng em có thời gian hiểu về ngôi trường mình đang học. Nó cũng là một nét đặc trưng của ngành giáo dục TP Thủ Đức.
“Dự án giúp chúng em hiểu môn văn không chỉ trong trang sách, trong các văn bản mà môn văn gắn với cuộc sống, với thực tế. Học văn giúp chúng em có thêm những trải nghiệm” - Linh nói thêm.
Trong khi đó, có nhóm lại đề xuất các ý tưởng để phát triển TP Thủ Đức trong tương lại. Có nhóm lại đi thực tế để viết những bài cảm nhận về Thủ Đức với những con hẻm nhỏ, những đổi thay và kỳ vọng.
Có nhóm còn làm website với tiêu đề: TP Thủ Đức - khi ta nhìn lại
Bồi đắp tình yêu văn học và mảnh đất - nơi các em sinh sống
Cô Nguyễn Thị Thu Phương, giáo viên triển khai dự án chia sẻ, cách đây 8 năm cô đã thực hiện dự án Có một Thủ đức trong tôi. Tuy nhiên, khi đó Thủ đức chỉ là một quận và dự án chỉ triển khai trong phạm vi một lớp, yêu cầu đơn giản làm clip giới thiệu về các lĩnh vực lịch sử, văn hoá, địa lý giáo dục.
Thế nhưng, hiện nay TP Thủ Đức đã được thành lập, gồm ba quận với quy mô rộng lớn. "Vì thế, tôi quyết định triển khai dự án để các em có điều kiện tìm hiểu những yếu tố lịch sử, văn hoá...về mảnh đất nơi mình sinh sống" - cô Phương bộc bạch.
“Tôi bất ngờ trước sản phẩm do các em thực hiện. Nó đa dạng về thể loại và có sự đầu tư công phu” - cô Phương nói.
Theo cô Phương, dự án được thực hiện để đáp ứng yêu cầu đổi mới trong phương pháp dạy học của Bộ GD&ĐT. Theo đó, học sinh là trung tâm, giáo viên là người hướng dẫn. Từ đó, các em có thể phát huy toàn bộ năng lực của mình thông qua nghiên cứu và làm các sản phẩm.
"Văn học gắn liền với cuộc sống, văn học là nhân học. Thông qua dự án này, các em có cơ hội để tìm hiểu. Qua tìm hiểu, các em mới có thể quan tâm, chia sẻ, trân trọng và gửi gắm những mong ước của mình về sự thay đổi của TP Thủ Đức. Từ đó, thêm yêu TP Thủ Đức với những nét đặc trưng về văn hoá, ẩm thực, kiến thức..." - cô Phương nói thêm.