Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 24 về Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới so với các năm học trước.
Giảm buổi thi, môn thi
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được tổ chức thành 3 buổi thi: 1 buổi Ngữ văn, 1 buổi Toán và 1 buổi làm bài thi tự chọn. Thí sinh sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi.
Như vậy, so với các năm trước, kỳ thi giảm 1 buổi thi và 2 môn thi.
Khánh Chi, học sinh lớp 12, Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết giảm môn thi sẽ giúp giảm áp lực cho em. Ngoài 2 môn Văn, Toán bắt buộc, Chi chọn tiếng Anh và Lịch sử là 2 môn tự chọn để xét tuyển vào các ngành marketing. "Việc giảm môn thi không ảnh hưởng đến việc xét tuyển đại học" - Chi nói.
Ông Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM), đánh giá sự thay đổi của kỳ thi sẽ giảm áp lực cho thí sinh khá nhiều.
Về vấn đề này, ông Đặng Đình Quý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình), chia sẻ kỳ thi tốt nghiệp với 4 môn thi, tổ chức 3 buổi sẽ đỡ tốn kém, giảm áp lực. Tuy vậy, điều khiến ông băn khoăn là thí sinh sẽ bị giảm sự lựa chọn xét tuyển đại học.
“Năm ngoái, thí sinh thi 6 môn nên có rất nhiều tổ hợp dùng để xét tuyển vào các trường đại học. Năm nay kỳ thi chỉ còn 4 môn, ngoài 2 môn bắt buộc là Văn, Toán, các em sẽ lựa chọn 2 môn tự chọn. Ví dụ, nếu thí sinh chọn môn Hóa học, Sinh học sẽ xét tuyển tổ hợp B00; thí sinh chọn Vật lý, Hóa học chỉ xét tuyển tổ hợp A00. Các tổ hợp này theo quy chế tuyển sinh các năm trước rất ít trường sử dụng, do đó các trường đại học cần có sự thay đổi để đảm bảo quyền lợi của các em” – ông Qúy nêu.
Ông Võ Nu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn, TP.HCM) thì cho rằng thi 4 môn sẽ nhẹ nhàng hơn cho học sinh, cũng không gây ảnh hưởng đến việc các em sử dụng tổ hợp để xét tuyển đại học.
"Hiện các trường THPT đã cho học sinh lựa chọn và học các môn thi theo định hướng nghề nghiệp. Các trường đại học cần nắm thông tin các môn học tại trường phổ thông để điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp" - ông Nu nói.
Tăng tỉ trọng điểm học bạ
Vấn đề được nhiều nhà giáo bàn luận chính là thay đổi tỉ trọng điểm học bạ trong công thức tính điểm xét tốt nghiệp từ 2025.
Quy chế thi tốt nghiệp THPT sẽ sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp theo tỉ lệ 50:50. Điểm trung bình học bạ các năm được tính theo trọng số.
Việc tăng tỉ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30% lên 50% nhằm đánh giá sát hơn năng lực người học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cạnh đó, điểm học bạ các năm lớp 10, 11 được sử dụng (với trọng số nhỏ hơn của lớp 12) thay vì chỉ của lớp 12 như trước đây.
Ông Lưu Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận Tân Phú, TP.HCM, cho biết điểm mới này rất hợp lý. Bởi việc học cần phải đánh giá cả quá trình nên xét tốt nghiệp có sử dụng điểm từ lớp 10 và 11 là đúng.
“Tăng tỉ trọng điểm học bạ lên 50% giúp kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện tốt 2 mục đích vừa để xét tốt nghiệp vừa là cơ sở để các trường đại học tuyển sinh. Khi điểm học bạ tăng sẽ giải quyết được bài toán xét tốt nghiệp, ngoài ra đề thi vì vậy sẽ có sự phân hóa cao hơn, tăng mức độ hiểu, vận dụng để các trường đại học làm căn cứ xét tuyển” – ông Tòng nói.
Theo ông Tòng, việc bỏ cộng điểm nghề và chứng chỉ tin học, ngoại ngữ khi xét tốt nghiệp là phù hợp, tạo sự công bằng giữa các thí sinh.
Tương tự, ông Qúy cũng nhìn nhận trong xét tốt nghiệp, điểm học bạ tăng và sử dụng kết quả lớp 10 và 11 sẽ đánh giá toàn diện và giúp học sinh dễ đậu tốt nghiệp.
Một điểm mới nữa là chứng chỉ ngoại ngữ tiếp tục được sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp. Ông Võ Nu cho rằng điều chỉnh này là hợp lý, bởi học sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 khác với học sinh đạt điểm IELTS 8.0.
Còn bà Đỗ Thị Việt Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TP.HCM), đánh giá sự thay đổi này sẽ khiến học sinh ít sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp. Các em sẽ dùng chứng chỉ trong các đợt xét tuyển sớm của các trường đại học vì có lợi thế hơn.
Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ ra sao?
Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Theo đó sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.
Kết quả sẽ được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau trong đó vừa sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Vì vậy, đề thi sẽ được thiết kế để có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm thí sinh.
Ông HUỲNH VĂN CHƯƠNG - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT